Vịnh Bái Tử Long (xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) có nhiều hòn đảo lớn như Soi Dâu, Hòn Nêm, Bánh Sữa… với tổng diện tích hàng trăm hecta đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ lâu các đảo này đã bị biến thành “biệt khu” của các đại gia.
Biến đảo thành “biệt khu”
Theo ghi nhận của PV, giữa vịnh Bái Tử Long có ngôi đền Vạ Giếng um tùm cây xanh, trên góc đảo hình cánh cung được phun cát tạo thành bãi tắm, cùng cầu cảng, bờ kè bê tông kiên cố.
Trên đảo có một loạt công trình kiểu khu du lịch sinh thái với đường bê tông uốn lượn. Sát bãi biển là căn nhà chòi bát giác làm bằng tre, gỗ, trong có các phòng nghỉ. Gần đó là khu nhà bếp, nhà ăn, nhà ở cho công nhân. Sâu trên đảo là căn nhà sàn gỗ hai tầng hoành tráng lợp ngói đỏ cùng khoảng sân bê tông.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra của UBND huyện Vân Đồn, hòn đảo này từ lâu đã bị biến thành “biệt khu” của ông Trần Quốc Dũng (trú TP Cẩm Phả).
Cách đó không xa, đảo Soi Dâu từ lâu cũng biến thành “biệt khu” của ông Phạm Thế Duy (trú TP Cẩm Phả). Một nửa hòn đảo đã được ông Duy xây dựng bờ kè bê tông, đổ cát tạo thành bãi biển nhân tạo quây quanh. Chính giữa “biệt khu” là căn nhà lầu kiểu biệt thự hoành tráng mái ngói đỏ tươi, tường sơn sáng lóa cùng khoảnh sân rộng mênh mông. Quanh đảo còn có các khu chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm.
Tương tự, tại đảo Hòn Nêm (xã Thắng Lợi), đảo Bánh Sữa (xã Bản Sen), hàng trăm hecta đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản cũng bị các doanh nghiệp xây dựng các công trình, biến thành khu du lịch nghỉ dưỡng.
“biệt khu” hoành tráng nhất phải kể tới là đảo Thẻ Vàng (xã Thắng Lợi) của ông Tô Văn Chương (trú TP Cẩm Phả). Từ năm 2009, khi được quản lý, sử dụng 177 ha đất rừng và nuôi trồng thủy sản (được giao và nhận chuyển nhượng), ông này đã triển khai xây dựng hàng loạt công trình nhà cao tầng kiên cố, bến cập tàu, bờ kè, đường bê tông, công trình tâm linh… trái phép.
Đảo khu vực đền Vạ Giếng được xây dựng như một khu sinh thái giữa vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Đỗ Hoàng
Đảo Soi Dâu được biến thành biệt phủ hoành tráng cùng bãi cát, bến cập tàu, bờ kè kiên cố. Ảnh: Đỗ Hoàng
Cưỡng chế trên… giấy
Theo tìm hiểu, từ năm 2012, UBND huyện Vân Đồn đã xác lập hồ sơ vi phạm đất đai tại đảo Soi Dâu đối với ông Phạm Thế Duy. Chính quyền xã Thắng Lợi và huyện Vân Đồn xác định từ năm 2009 ông Duy đã san gạt đất rừng tại đảo xây nhà (150 m2), sân, kè (400 m2), đường nội bộ… trái phép. Tháng 7-2012, UBND huyện Vân Đồn đã ra quyết định cưỡng chế yêu cầu khắc phục hậu quả tại đảo Soi Dâu.
Tại khu vực đảo đền Vạ Giếng, UBND huyện Vân Đồn xác định từ năm 2012, ông Trần Quốc Dũng đã tự ý xây dựng hàng loạt công trình trái phép như cửa, bến cập tàu, đường bê tông cùng hàng trăm mét kè đá. Năm 2014, huyện tiến hành cưỡng chế nhà ở công nhân nhưng sau đó ông Dũng tiếp tục xây dựng một loạt nhà chòi hình bát giác. Đầu năm 2019, huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả tại khu vực đền Vạ Giếng.
Theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, năm 2014 huyện này đã xử lý kỷ luật khiển trách tập thể Đảng ủy xã Thắng Lợi, khiển trách bí thư, cảnh cáo và điều chuyển công tác chủ tịch xã vì buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng tại các đảo trên vịnh Bái Tử Long. |
Đối với các công trình xây dựng trái phép trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần ra văn bản đốc thúc UBND huyện Vân Đồn triển khai cưỡng chế. Ngày 7-6-2019, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ra văn bản yêu cầu huyện Vân Đồn khẩn trương xử lý các công trình trái phép trong tháng 6. Tuy nhiên, đến nay việc cưỡng chế vẫn chưa thực hiện được.
UBND huyện Vân Đồn lý giải muốn đảm bảo chặt chẽ về pháp lý và cho biết thêm: Điển hình như công trình của ông Trần Quốc Dũng, trong quá trình huyện triển khai kế hoạch cưỡng chế thì nhận được đơn khiếu nại, kiến nghị của luật sư đại diện cho ông Dũng về việc cưỡng chế phá dỡ công trình không đúng quy định. Sau khi rà soát lại toàn bộ hồ sơ xử lý vi phạm của UBND xã Thắng Lợi, xin ý kiến tham gia của Sở Xây dựng, Sở TN&MT, UBND huyện xét thấy cần phải xác minh, củng cố thêm hồ sơ.
Nói về sự việc trên, ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là cương quyết cưỡng chế khôi phục nguyên trạng để phục vụ cho phát triển du lịch chung.
Hồi giữa tháng 5, lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn đã có cuộc họp với ông Trần Quốc Dũng về kế hoạch cưỡng chế công trình của ông Dũng. Tại cuộc họp, phía ông Dũng đề nghị UBND huyện Vân Đồn xem xét để ông Dũng hoàn thiện các thủ tục tiếp theo, cho giữ nguyên hiện trạng công trình. Sau khi được cấp phép, công trình nào ngoài giấy phép gia đình sẽ tự tháo dỡ, công trình nào phù hợp đề nghị giữ lại phục vụ lợi ích tâm linh. Sau khi trao đổi, những người tham gia buổi họp cùng thống nhất: Các công trình xây dựng tại khu vực đền Vạ Giếng do ông Dũng thực hiện đã vi phạm các quy định về hoạt động xây dựng, đất đai. Yêu cầu ông Dũng phá dỡ toàn bộ công trình đã bị lập biên bản vi phạm hành chính. Tại cuộc họp, ông Dũng đã đồng ý phá dỡ toàn bộ công trình vi phạm nói trên (trừ nhà sàn gỗ hai tầng diện tích 80 m2) trước ngày 23-5-2019. Tuy nhiên, ông Châu Thành Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết dù trong cuộc họp trên ông Dũng đã đồng ý tự tháo dỡ nhưng sau đó không thực hiện. Theo ông Hưng, huyện phải tạm lùi việc cưỡng chế để hoàn thiện thêm hồ sơ vì trước đây trong biên bản ghi sai địa chỉ của ông Dũng. Huyện đang kiểm tra, hoàn thiện lại hồ sơ để làm căn cứ thực hiện việc cưỡng chế. |