Trong khi có những dự án chủ đầu tư phải “trải thảm” để khách đến nhận nhà, cũng có dự án khách hàng đến tận cơ quan quản lý cao nhất là Bộ Xây dựng để cầu cứu. Những nghịch lý đang xảy ra trên thị trường BĐS khiến cơ quan chức năng không khỏi đau đầu.

Nơi bị tố, chỗ phải mời

Dự án đình trệ, chủ đầu tư thất hứa là tình cảnh hàng ngàn khách hàng mua nhà đang gặp phải hiện nay. Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có hàng loạt chủ đầu tư bị khách hàng tố về việc sai tiến độ bàn giao nhà dù đã đóng tiền theo đúng yêu cầu đưa ra.

Đình đám nhất phải kể đến dự án 52 Lĩnh Nam do CTCP Lilama Hà Nội làm chủ đầu tư. Mặc dù đã thu đến 95% giá trị căn hộ nhưng dự án này tiếp tục “đắp chiếu”, còn chủ đầu tư trốn tránh không chịu gặp khách hàng. Cực chẳng đã sau nhiều lần đấu tranh với chủ đầu tư lẫn cầu cứu các cơ quan chức năng, cư dân khu chung cư này đã phải đến “gõ cửa” Bộ Xây dựng với mong muốn Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ.

Trước đó, một loạt dự án khác cũng bị khách hàng bức xúc vì chậm tiến độ đã nhiều năm nhưng chủ đầu tư thờ ơ, bất chấp khách hàng bị thiệt hại từng ngày, như Megastar Dominium, Emico, Usilk City, chung cư Viện Bỏng Lê Hữu Trác…

Dự án 52 Lĩnh Nam mới xây thô đến tầng 21 và "dậm chân tại chỗ"
suốt từ cuối năm 2011 đến nay.

Trong khi đó, có những dự án, chủ đầu tư đang nhức đầu vì dù căn hộ đã hoàn thiện, khách hàng vẫn không chịu đến nhận. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chủ đầu tư ngồi nhìn dự án và ôm nợ. Có thể kể đến một số dự án như Lideco, An Hưng, FLC Landmark Tower…

Dự án khu đô thị An Hưng của CTCP Đầu tư xây dựng An Hưng đã bàn giao nhà cho khách hàng từ giữa năm 2012, nhưng đến nay dự án gần 32ha đang có nguy cơ biến thành khu đô thị bỏ hoang vì khách hàng không chịu đến nhận. Thậm chí kể cả khi chủ đầu tư đã “hào hiệp” ứng trước hơn 200 tỷ đồng để làm sổ đỏ cho khách.

Công ty Nhà Từ Liêm, chủ đầu tư dự án Lideco, cũng đang méo mặt vì có chưa đến 200 khách hàng nhận nhà trong tổng số hơn 600 căn biệt thự, liền kề tại dự án, dù Lideco đã đủ điều kiện bàn giao nhà từ 2 năm trước. Ầm ĩ nhất phải kể đến CTCP Tập đoàn FLC khi phải thành lập… tổ đòi nợ cho một dự án đã hoàn thiện, chủ đầu tư đã 5 lần 7 lượt gửi công văn, thúc giục nhưng hơn 80% khách hàng không đến nhận nhà.

Nhà nước phải ra tay?

Trên thực tế, không khó để thấy sự ách tắc đang nằm ở chính nguồn tiền. Ở nhiều dự án, cả chủ đầu tư lẫn khách hàng đều không còn khả năng tài chính để tiếp tục, đành chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”. Những dự án bị khách hàng kiện đòi nhà hầu hết đều đã chấp nhận “chết” từ nhiều năm nay, ngay tại thời điểm thị trường BĐS bắt đầu lao dốc.

Về phía khách hàng cũng không khá hơn. Với những dự án biệt thự, liền kề hoặc chung cư cao cấp, giá trị BĐS từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng, đến nhận nhà nghĩa là phải đóng 20-30% số tiền còn lại. Mặt khác, khách hàng của những dự án này chủ yếu là dân đầu cơ, lướt sóng, việc đóng băng của thị trường 3 năm qua đã khiến họ kiệt sức thật sự.

Thậm chí khách hàng dự án FLC Landmark không ngần ngại nói thẳng họ không còn đủ tiền để nộp theo giá trị hợp đồng, bất chấp chủ đầu tư đe dọa sẽ thanh lý căn hộ. Tình trạng bế tắc đang diễn ra khiến nhiều chuyên gia băn khoăn về những biện pháp khơi thông thị trường BĐS, bởi thực tế đây là những trường hợp khó xử nhất, nhưng nếu không giải quyết được, thị trường còn thiếu sức sống lâu dài.

Nhiều chuyên gia cho rằng không khó để thấy thị trường BĐS đang lãng phí một phần của cải khổng lồ của xã hội: nợ xấu cao, nhà hoang, các dự án chết… Chính vì vậy, dù đã có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhưng cũng không thể lơ là những phần khác của thị trường.

Theo đó cần phải có những biện pháp song song hỗ trợ thêm, như cấp bách xử lý hàng ngàn căn hộ bỏ hoang, nhanh chóng đa dạng hóa các đối tượng khách hàng trên thị trường BĐS, mở cửa cho người nước ngoài mua nhà hay các chính sách ngân hàng cần linh hoạt, ổn định hơn…

Bên cạnh đó, dồn sức vào nhà ở giá thấp là chủ trương đúng đắn nhưng Nhà nước không thể bỏ rơi những phân khúc khác, bởi tình cảnh như ngày hôm nay cũng là hệ quả của một quá trình buông lỏng quản lý, để thị trường phát triển tự phát, lộn xộn, cung cầu lệch pha, đầu cơ hoành hành.

Chính vì vậy, khi sức nóng của gói tín dụng hỗ trợ vẫn còn, cần nhanh chóng triển khai những chính sách khác mới có thể đả thông được thị trường BĐS vốn đang đầy ứ nguồn cung trung và cao cấp không biết đẩy đi đâu.

Cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược kiến nghị, đây là thời điểm Nhà nước nên ra tay bởi thị trường BĐS đang bị tắc ở những dự án đã xây dựng với số vốn bị giữ rất lớn.

“Người dân có tiền thì chủ đầu tư hết tiền. Chủ đầu tư có tiền thì người dân lại hết tiền. Trong khi đó gói tín dụng 21.000 tỷ cho người dân hay 9.000 tỷ cho doanh nghiệp lại không thể chạm đến vùng này. Cũng không chuyển đổi được sang NoXH hay chia nhỏ căn hộ. Vậy là cứ loay hoay ở đó đi tố cáo nhau vòng quanh không biết xử lý thế nào. Lúc này có thể thấy vai trò chính yếu của Nhà nước, Nhà nước không ra tay thì coi như vô vọng” - ông Lược nhấn mạnh.

Tôi cho rằng phải hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá sự tác động. Về lâu dài phải hỗ trợ mạnh hơn cho người tiêu dùng vì rõ ràng người mua phải tăng thị trường mới chuyển động được.

GS.TS Nguyễn Mại,
Chuyên gia kinh tế

Khôi Nguyên (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.