Kinh doanh shophouse?
Tìm hiểu của Dân Việt, HTX Đầu tư xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An - Tân Kỳ (Đơn vị thành viên của Liên hiệp HTX Phát triển và Quản lý chợ Việt Nam) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư dự án đầu tư xây dựng sở hữu và kinh doanh chợ Tân Kỳ.
Mặt tiền chợ Tân Kỳ xây dựng kiểu nhà shophouse, đã phủ kín chủ sở hữu.
Dự án đầu tư, xây dựng, sở hữu kinh doanh chợ Tân Kỳ được xây dựng tại địa bàn khối 6, thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ diện tích đất sử dụng 7.726 m2. Tháng 3/2018, dự án được khởi công và đến tháng 5/2019 dự án đã chính thức khánh thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động. Chợ gồm tòa nhà cao 3 tầng, 1 tầng hầm, 481 ki ốt kinh doanh. Trong đó 38 kiốt ở tầng 3; 37 kiốt ở tầng 2 và 406 điểm kinh doanh trong chợ với tổng vốn đầu tư hơn 177 tỷ đồng.
Trước đó, theo Quyết định số 1923/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, điểm kinh doanh, nội quy chợ Tân Kỳ, chợ Tân Kỳ có 210 điểm kinh doanh tại tầng trệt, 261 điểm kinh doanh tại tầng 1 và tầng 3 có 38 điểm kinh doanh. Ngoài ra, tại chợ còn có 28 kiốt, bao gồm 11 kiốt 3 tầng và 17 kiốt 2 tầng...
Tuy nhiên đến nay, sau gần một năm đưa vào hoạt động, các hạng mục liên quan đến kinh doanh, buôn bán của tiểu thương, từ khu vực tầng hầm đến mặt bằng tầng 1 đều trong tình trạng vắng hoe, không ai mặn mà với dự án trăm tỉ này, ngoại trừ một số kiốt mặt tiền đã được người dân mua để ở kết hợp kinh doanh. Phía trong khu vực chợ đã được gắn biển kinh doanh của các tiểu thương, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ hoạt động kinh doanh, buôn bán nào...
Hàng chục kiốt kinh doanh ở phía trong chợ mới nhưng tiểu thương không mặn mà đăng ký kinh doanh.
Đẩy tiểu thương xuống tầng hầm xe
Trao đổi với báo chí, ông Vi Văn Quang - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Tân Kỳ cho biết: “Ban đầu, HTX Hải An chỉ hỗ trợ tiền thuê mặt bằng 1 năm, tuy nhiên qua nhiều lần thuyết phục chủ đầu tư đã đồng ý hỗ trợ 2 năm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cam kết sẽ thực hiện kiểm đếm, hỗ trợ cho các tiểu thương với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1,8 tỉ đồng. Ngoài ra, các hộ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng để di chuyển đồ đạc.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ mới có 8 trong tổng số hơn 60 hộ đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân việc các tiểu thương phản đối là nhà đầu tư nói một đằng, làm một nẻo khi đẩy các hộ kinh doanh xuống họp chợ dưới tầng hầm, vốn là nơi thiết kế dành để để xe, thay vì họp chợ ở tầng 1 như cam kết ban đầu. Bên cạnh đó, việc cho thuê với giá cao cũng là điều khiến các tiểu thương không mặn mà với địa điểm kinh doanh mới”.
Đặc biệt, vào cuối năm 2018 UBND huyện Tân Kỳ phối hợp Sở Xây dựng kiểm tra hiện trạng công trình và nhận thấy nhiều hạng mục không đúng với hồ sơ thiết kế, đã yêu cầu chủ đầu tư dừng lại, không nghiệm thu. Tuy nhiên, thay vì yêu cầu làm đúng thiết kế ban đầu, khi chủ đầu tư xin điều chỉnh hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công thì các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An lại chấp thuận.
Cụ thể, chủ đầu tư đã điều chỉnh mặt bằng, mặt đứng kiến trúc góc phía Đông – Bắc làm tăng thêm diện tích mỗi tầng là 15,8m2; Điều chỉnh mặt bằng khối ki ốt từ 40 ki ốt thành 42 ki ốt và điều chỉnh mặt bằng công năng sử dụng của tầng hầm. Trong đó, chuyển diện tích bãi đỗ xe thành khu bán hàng với tổng diện tích 2.226m2, đây cũng là vị trí mà các tiểu thương chợ cũ được chuyển đến... Tuy nhiên, chợ vẫn không có tiểu thương nào đăng ký kinh doanh.