mối lượng duyên cơm không ngọt, canh không lành" giữa Western Bank và Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC). |
Trong số 9 ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc năm 2012 thì 5 đơn vị gồm SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank và Tienphongbank xem như cơ bản đã ổn thỏa. Riêng bốn ngân hàng nhỏ còn lại nằm trong diện này là GP Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank đang nỗ lực tìm phương án cho mình.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tái cơ cấu là việc làm tự nguyện của các ngân hàng nhỏ, yếu kém, nhưng nếu các nhà băng này không thể tự tái cấu trúc, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp, thậm chí tính đến phương án hợp nhất hoặc sáp nhập.
Điểm chung của 4 nhà băng còn lại trong nhóm phải tái cơ cấu là tính minh bạch thông tin tương đối thấp. Dù vậy, phương án tái cấu trúc của các ngân hàng này đã phần nào lộ diện. Về phía Navibank, một lãnh đạo của nhà băng cho biết hiện nhà băng đã lập đề án tự tái cấu trúc trình Ngân hàng Nhà nước và trình Chính phủ phê duyệt.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh TP HCM cũng xác nhận, Navibank (ngân hàng trực thuộc địa bàn thành phố) đã gửi phương án tái cơ cấu lên Ngân hàng Trung ương để cơ quan này xem xét, bổ sung, hoàn thiện và trình Chính phủ thông qua.
Theo kết quả thanh tra từ Ngân hàng Nhà nước mới đây thì ngân hàng này có tên trong danh sách các ngân hàng có vốn điều lệ dưới mức quy định tối thiểu (3.000 tỷ đồng). Sau khi Navibank phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung vì nợ xấu tăng, tài sản đảm bảo chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng…, thì vốn chủ sở hữu thực chỉ còn 2.513 tỷ đồng, thấp hơn mức quy định.
Trong bản giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hôm 14/11, Tổng giám đốc Navibank Nguyễn Giang Nam không phủ nhận con số 2.513 tỷ đồng của thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Nhưng theo ông, ngân hàng đã có hướng khắc phục và cải thiện dần tình trạng hiện nay. Kết quả, số dự phòng rủi ro bổ sung của Navibank đã giảm so với số dự phòng rủi ro theo kết luận của Cơ quan Thanh tra, giám sát và vốn chủ sở hữu của Ngân hàng đến 30/9/3012 là 3.027 tỷ đồng, cao hơn 27 tỷ đồng theo vốn pháp định tối thiểu.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng cho rằng, hoạt động của Navibank hiện đã được cải thiện dần theo hướng tích cực.
Cùng với Navibank, trước đó TrustBank đã có phương án chủ động tự tái cơ cấu trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ xem xét. Theo thông tin từ Hội đồng quản trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án này và ngày 6/9/2012, Thống đốc có văn bản chấp thuận nguyên tắc phương án tái cơ cấu TrustBank.
Lãnh đạo Trustbank cũng cho biết sẽ tập trung sử dụng nguồn lực từ các Tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước để tái cơ cấu, mà không sử dụng vốn ngân sách.
"Đây là điểm cốt yếu trong chiến lược tái cấu trúc TrustTBank nhằm nỗ lực chủ động giải quyết ổn thỏa các vấn đề nội tại, không trông chờ vào sự cứu trợ của Ngân hàng Nhà nước. Sau khi hoàn thành tiến trình tái cơ cấu, hoạt động của ngân hàng từng bước theo lộ trình sẽ đảm bảo an toàn, lành mạnh và hiệu quả", đại diện ngân hàng này nhấn mạnh.
Riêng trường hợp của Western Bank, tiền thân là một ngân hàng từ nông thôn với vốn điều lệ ban đầu chỉ 320 tỷ đồng, đến 2011 thì lên đến 3.000 tỷ đồng. Do lớn quá nhanh nên cũng như nhiều ngân hàng khác, việc quản trị và kiểm soát rủi ro trở thành một vấn đề lớn. Bên cạnh đó, một tỷ lệ rất lớn tín dụng của nhà băng lại dành cho các doanh nghiệp sân sau, cổ đông nội bộ dẫn đến nhiều rủi ro cho ngân hàng.
Nằm trong tiến trình tái cơ cấu bắt buộc, ngân hàng này đã gây chú ý nhiều cho thị trường tài chính gần đây về "mối lương duyên chưa đến hồi kết" với Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC).
Trong khi đó, thông tin về GP Bank lại rất hiếm hoi trên thị trường. Được thành lập cách đây 7 năm, nhà băng chính thức tăng vốn lên đạt mục tiêu 3.000 tỷ đồng năm 2010. Mọi thông tin liên quan về hoạt động cũng gần như mù tịt, ngoại trừ báo cáo thường niên năm 2010. Theo báo cáo này, tỷ lệ nợ xấu trong năm 2010 của GP Bank chỉ 1,83%.
Về vấn đề tái cơ cấu, hôm cuối tháng 8, trong một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết phương án cơ cấu lại GP Bank đang được cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.
Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM nhìn nhận, hiện nay các nhà băng nhỏ trên, hầu hết sức khỏe đều yếu. Do đó, sẽ rất khó để họ một mình tự thân vận động. Nếu có tự xử lý bằng cách tự tìm kiếm đối tác nâng cao năng lực vốn, năng lực quản trị, đảm bảo thanh khoản và an toàn vốn, thì các ngân hàng cũng cần được sự nâng đỡ, giám sát và theo dõi chặt chẽ của cơ quan quản lý, trong quá trình cơ cấu lại.
"Chỉ có như vậy, động thái tái cấu trúc mới mang lại sự lành mạnh cho sức khỏe của các ngân hàng, vị này nói.