Ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là những quốc gia thao túng tiền tệ cùng với 10 nền kinh tế ( Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ) thuộc diện theo dõi với cáo buộc rằng Việt Nam đáp ứng cả 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và mua ròng ngoại tệ. Đây là lần đầu tiên, Mỹ gắn mác "thao túng tiền tệ" đối với Việt Nam.
Cáo buộc thao túng tiền tệ không nằm ở chính sách tỷ giá VND - USD
Sự kiện này đã trở thành "tâm điểm" của dư luận trong và ngoài nước mấy hôm nay, nhiều ý kiến cho rằng quyết định của phía Hoa Kỳ có tính đơn phương, chủ yếu vì vấn đề thương mại chứ không chỉ là vấn đề tiền tệ.
Trao đổi với Dân Việt xung quanh câu chuyện này, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ, cho rằng nếu nhìn khách quan thì có thể thấy, chuyện Việt Nam thặng dư với Mỹ là do cơ cấu chứ không phải chính sách tỷ giá VND/USD của Việt Nam.
Theo đó, về mặt cơ cấu, Việt Nam thâm hụt với các nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, trong khi thặng dư với các nền kinh tế phát triển là EU và Hoa Kỳ. Đó là bởi Việt Nam nhập máy móc thiết bị, linh phụ kiện, nguyên vật liệu từ châu Á để lắp ráp, chế biến và xuất sản phẩm cuối cùng sang EU và Hoa Kỳ.
Việt Nam không có chủ đích thao túng tiền tệ
Trong hợp tác với Hoa Kỳ về mặt thương mại, Việt Nam vẫn cần thể hiện ra là chính sách tỷ giá mặc dù có sự tác động của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, nhưng được quản lý theo hướng linh hoạt và tỷ giá có biến động dưới tác động của cung cầu thị trường, chứ không phải là để thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Trong thời gian qua, khi Hoa Kỳ đánh thêm thuế vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì Việt Nam có xuất khẩu mạnh hơn vào thị trường Mỹ. Nhưng những sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không phải những sản phẩm Việt Nam nhập mạnh từ Trung Quốc.
Đồng thời ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu từ Hoa Kỳ, bao gồm nông sản, máy móc thiết bị và khí tự nhiên hóa lỏng...
Tương tự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ trước hết theo các tiêu chuẩn của nhà nước Mỹ, nhưng đưa vào danh sách như thế cần phải có những xem xét cho phù hợp.
"Việt Nam không hề muốn phá giá đồng tiền để đẩy mạnh cạnh tranh trong xuất nhập khẩu với các nước trên thế giới. Việt Nam chỉ có mục tiêu là ổn định đồng tiền, không để VND bị mất giá một cách quá đáng. Vì thế, việc mua vào ngoại tệ, thực tế là chúng ta có 2 mục tiêu: Một là để giữ ổn định giá trị VND, tức là chúng ta không phá giá đồng tiền, để cạnh tranh trong thương mại bất bình đẳng như Mỹ gắn mác "thao túng tiền tệ" là không phải", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, nếu chúng ta nói đến chuyện mua ngoại tệ vào liên tục là để tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam do hiện nay còn rất mỏng so với mức dự trữ mà IMF khuyến cáo. Nếu so với mức dự trữ ngoại hối của các quốc gia như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của họ lớn hơn chúng ta rất nhiều.
"Vì thế, việc Việt Nam tăng cường mua ngoại tệ để tăng cường dự trữ ngoại hối đề phòng những biến động bất thường trên thị trường tài chính là cần thiết. Nên khi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ đã không xem xét cẩn trọng vấn đề này", ông Thịnh cho hay.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ là bắt buộc
TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cũng nhận định, có nhiều điểm cần làm rõ liên quan tới cả ba tiêu chí nói trên của phía Hoa Kỳ.
Theo ông Phước, Hoa Kỳ thắc mắc nếu không phải can thiệp tỷ giá sao Việt Nam bán hàng qua Hoa Kỳ nhiều như vậy? Thực tế, việc thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn có nhiều lý do nhưng chủ yếu do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam.
Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu trong hơn 30 năm qua phản ánh quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam theo hướng kinh tế thị trường, với các đặc trưng của Việt Nam về chi phí nhân công rẻ, lao động, tiếp nhận đầu tư nước ngoài, sử dụng tài nguyên, dẫn tới giá hàng hóa xuất đi rất rẻ.
Về cán cân vãng lai - bao gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền (gồm chuyển tiền từ nước ngoài về, nhất là kiều hối). Vài năm trở lại đây, Việt Nam xuất siêu nhưng không lớn, một năm cỡ khoảng 5 đến 10 tỷ USD, năm nay hơn 20 tỷ USD.
Trong khi cán cân vãng lai của các nước tăng cao do thương mại, thì ở Việt Nam cán cân vãng lai thặng dư chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về. Kiều hối chảy về là yếu tố khách quan, không phải vì tỷ giá cao hay thấp mà người Việt tại nước ngoài quyết định chuyển hoặc không chuyển tiền về. Do đó, tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí của Hoa Kỳ quy định là 2% GDP.
Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ là thực hiện chức năng chuyển hóa các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng
Về can thiệp trên thị trường ngoại hối, hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại hối. Hiện nay pháp luật ngoại hối Việt Nam không cho phép dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Nhà đầu tư chuyển ngoại tệ vào Việt Nam kinh doanh thì phải chuyển đổi ra tiền đồng. Các nhà xuất khẩu hay nguồn tiền kiều hối chuyển về nước cũng phải đổi qua tiền đồng để sử dụng.
"Việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ suy cho cùng là thực hiện chức năng chuyển hóa các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc", ông Phước cho hay.
Theo TS Trương Văn Phước, nếu Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam phải thu hẹp thặng dư thương mại, thì Việt Nam cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn điều chỉnh dần để cán cân thương mại tiến tới cân bằng là tốt hoặc để thặng dư không lớn.
Cụ thể, Việt Nam sẽ cần điều chỉnh cơ cấu thương mại đối với nhiều nước, tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh như nông sản, công nghệ cao, năng lượng và thiết bị khoa học kỹ thuật...
Đề xuất tháo gỡ cho vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh bày tỏ quan điểm, chúng ta vẫn kiên trì ổn định chính sách về điều hành và thêm nữa là cũng nên có giải thích rõ hơn đối với các bộ, ban, ngành; đặc biệt là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần làm việc, trao đổi một cách trực tiếp và đầy đủ hơn các vấn đề có liên quan tới Bộ Tài chính Mỹ.
Trên cơ sở đó, phía Mỹ thấy được điều kiện, những hoàn cảnh phía Việt Nam đang thực thi các chính sách của mình. Trong thực tế thì rõ ràng Chính phủ Việt Nam không có ý muốn phá giá đồng tiền để tạo ra cạnh tranh không bình đẳng, để từ đó làm cho cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam. Điều này cần phải được giải thích để cơ quan Hoa Kỳ người ta biết để có xem xét phù hợp với Việt Nam.
-
Thủ tướng nói về việc Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ
CafeLand - Theo báo Chính phủ, tại cuộc họp chiều 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm mục đích hạ giá tiền tệ để tạo lợi thế thương mại.
-
Việt Nam có thể tự do đến Belarus mà không cần thị thực
Kể từ ngày 30/1, công dân Việt Nam và Belarus chính thức được tự do đi lại giữa hai quốc gia mà không cần xin thị thực. Đây là kết quả của Hiệp định miễn thị thực được ký kết giữa hai nước, mở ra cơ hội phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác song p...
-
Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được tăng trưởng GDP 8%
Đó là dự báo của ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos 55
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hoà Czech, tối 20/1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Zurich, Thụy Sĩ....