Trong khi những TP này đang chật vật với quỹ đất đô thị, nơi không gian chiều ngang và chiều cao đã được khai thác triệt để, không gian ngầm dưới lòng đất lại chưa được chú ý. Hà Nội chưa có một bãi đỗ xe ngầm đúng nghĩa dù đã bắt đầu nhen nhóm từ cách đây 10 năm và bãi đỗ xe nổi thiếu đến mức báo động. TPHCM đang rối như tơ vò với metro, nhà ga bãi xe ngầm.
Đáng kể hơn, không gian ngầm chưa có một quy hoạch tương xứng, các văn bản pháp luật cũng chưa có những quy định rõ ràng, cụ thể. Trong khi đó, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 6 tuyến đường sắt đô thị, TPHCM có 7 tuyến, 3 TP lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng sẽ có gần 20 bãi đỗ xe ngầm, cùng với đó là hàng trăm dự án có phần công trình ngầm phía dưới chân đế.
Trên thực tế, vẫn đang có một khoảng trống dành cho sự phát triển chiều sâu không gian ngầm của đô thị, dù đã có đến 3 luật điều tiết là Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Đặc biệt, từ Luật Đất đai 1993, đến 2003 và hiện nay là Luật Đất đai sửa đổi đang chờ Quốc hội thông qua, chưa có một quy định rõ ràng nào dành cho phần không gian ngầm dưới lòng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ dành cho đất trên bề mặt, còn phần ngầm của công trình không được ghi nhận.
Việc thu hồi, giải phóng mặt bằng xây dựng công trình ngầm cũng chưa được quy định, trong khi đó hàng loạt dự án ngầm đã được triển khai như hệ thống tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm... Đặc biệt, không có điều nào quy định người được sử dụng đất được phép khai thác và sử dụng đến độ sâu nào. Đây chính là kẽ hở khiến quy hoạch và cấp phép xây dựng trở nên tùy tiện. Cùng một khu vực nhưng có dự án được cấp phép 2 tầng hầm, có dự án lại được cấp phép đến 4.
Chính vì sự lộn xộn này, Hà Nội và TPHCM đang nhức đầu với nhiều dự án trọng điểm khi thiếu chế tài để triển khai. Do chưa có quy hoạch tổng thể không gian ngầm, chưa được luật hóa nên trong quá trình lập dự án, các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn trong phối hợp bố trí các công trình nổi và ngầm, cũng như khó khăn trong công tác đền bù, thiết kế di dời, bảo vệ các công trình hiện hữu như đường điện, nước, cáp quang…
Chính vì thế, việc luật hóa đối với phần đất dành cho công trình ngầm cũng như phải có quy hoạch không gian này tại các đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội trở thành một công việc vô cùng bức bách. Bởi nếu chậm trễ, “mỏ vàng” này có thể sẽ nhanh chóng trở thành “vũng lầy” kìm hãm sự phát triển của các đô thị.