Sắp ra đời nhóm “đại gia” ngân hàng
Với
quyết tâm đưa hoạt động ngân hàng đi vào nề nếp, khuôn khổ nhưng minh
bạch, phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế, bước đi đầu tiên theo thống đốc
NHNN Nguyễn Văn Bình trong một hội nghị gần đây cho biết sẽ thành lập
nhóm 12 ngân hàng lớn, chiếm tới 85% thị phần, cùng với NHNN, tạm gọi là
G12+1. Mỗi quý nhóm sẽ họp một lần, nhằm mục đích trao đổi hoạt động
nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa tính tương tác giữa thị trường và cơ quan
quản lý. Trong trường hợp thị trường biến động phức tạp, nhóm G12+1 sẽ
họp bất cứ lúc nào để xử lý tình hình.
NHNN
tin tưởng rằng với cách làm như vậy, chính sách ban hành sẽ sát hơn với
thực tế. Khi đó, tất cả phải chấp hành, tổ chức tín dụng nào vi phạm sẽ
bị xử lý nghiêm túc. Vì đó là cách để bảo vệ quyền lợi của toàn ngành
và của các tổ chức tín dụng. Ngược lại, NHNN ban hành chính sách mà các
tổ chức tín dụng không thực hiện được thì đó là trách nhiệm của NHNN.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội
Đề
xuất thành lập nhóm G12+1 của NHNN được nhiều chuyên gia trong ngành
đánh giá là một quyết định tích cực và khá đúng đắn. Các chuyên gia cũng
cho rằng, cần phải ghi nhận sự tích cực của NHNN đã lắng nghe ý kiến
của các ngân hàng, cụ thể là 12 ngân hàng lớn. Điều này sẽ giúp NHNN sẽ
có những chính sách điều hành sát với thực tế hơn.
Với
việc thường xuyên họp mặt các ngân hàng trong nhóm để trao đổi hoạt
động nghiệp vụ, giải quyết những khó khăn, tồn tại sẽ giúp các ngân hàng
thường xuyên kiểm soát được hoạt động của mình.
Chuyên
gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, về mặt cạnh tranh thị trường,
điều đó vi phạm luật cạnh tranh, theo nghĩa các ông lớn hợp với nhau để
chiếm 30% trên thị trường. Nhưng ở đây, họ không phải là lập nhóm để
quản lý thị trường mà để có những chính sách hợp lý, giữ bình ổn thị
trường thì vẫn có thể chấp nhận được.
Lãnh
đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho rằng, đây
là một động thái nữa của NHNN nhằm siết chặt hơn các hoạt động của ngành
ngân hàng mà bấy lâu nay bị rệu rã. Việc lập nhóm G12+1 sẽ giúp cho các
ngân hàng lớn phải nghiêm túc thực thi các chính sách tiền tệ, như vậy,
sẽ làm gương cho các ngân hàng nhỏ.
Chuyên
gia kinh tế – tài chính Bùi Kiến Thành cũng đồng tình cho rằng, đây là
hội đồng của 12 ngân hàng lớn và NHNN để bàn bạc với nhau sao cho hệ
thống ngân hàng được bền vững và đưa ra giải pháp có lợi nhất để 12 ngân
hàng hoạt động.
Lãnh
đạo một ngân hàng lớn có trụ sở tại Hà Nội cũng cho biết, ông rất mong
nhóm G12+1 sớm ra đời để cho hoạt động của ngành ngân hàng được bền
vững, chặt chẽ, đi vào khuôn phép.
Ngân hàng nhỏ sợ bị loại khỏi “cuộc chơi”
Một
lãnh đạo ngân hàng nhỏ, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh thì tỏ ra không
đồng tình với chủ trương thành lập nhóm G12 bởi việc lập ra nhóm ngân
hàng lớn là không công bằng với các ngân hàng còn lại.
Vị
lãnh đạo này cho rằng, vài chục ngân hàng nhỏ còn lại tuy chỉ chiếm hơn
20% thị phần nhưng số lượng ngân hàng lại lớn (chiếm 80% tổng số ngân
hàng). Tiếng nói của họ cũng rất quan trọng. Nếu NHNN không cho họ cơ
hội để tham dự vào các cuộc trao đổi của NHNN với các ngân hàng, e rằng
tiếng nói của các ngân hàng nhỏ bị thiệt thòi .
Mặt
khác, điều đó có thể tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường không bình
đẳng giữa nhóm 12 với các ngân hàng còn lại. Bởi tâm lý của người khi
gửi tiền có thể họ cảm nhận rằng, đây là nhóm có uy tín nhất và tiền gửi
cũng như giao dịch với các ngân hàng này bền vững hơn nhóm còn lại.
“Những
hạn chế trên có thể được bù trừ và hóa giải qua hiệp hội ngân hàng. Khi
nhóm 12 này trao đổi với NHNN, thì hiệp hội ngân hàng cũng phải đóng
vai trò trong đó. Tôi đề nghị nên có nhóm 12+1+ hiệp hội ngân hàng, như
vậy nên là 12+1+1”, vị này cho biết.
Một
chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc NHNN lập nhóm G12 này phải bảo
đảm họ chỉ được mời thường xuyên để góp ý cho NHNN chứ không được ưu
đãi hay có quyền quyết định gì khác để có hại cho những ngân hàng nhỏ.
Ngân hàng nhỏ vẫn có quyền gửi góp ý của mình đến NHNN như bình thường.