UBND huyện Lâm Hà vừa phát đi Công văn số 947/UBND-NV gửi giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xem xét điều động ông Trần Văn Nghĩa, Phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Lâm Hà đến cơ quan, đơn vị hoặc địa phương khác để công tác.

Theo đó, căn cứ tình hình thực tế cũng như phản ánh của người dân về ông Nghĩa, ngày 25/4 vừa qua, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Lâm Hà đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số hồ sơ đo đạc thuộc thẩm quyền xử lý của ông Trần Văn Nghĩa.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định ông Nghĩa đã ký hồ sơ nhưng cho chậm phát hành 8/8 hồ sơ (từ 10 đến 41 ngày) theo quy định.

Ngoài ra, tại phiếu kiểm soát theo dõi và luân chuyển hồ sơ, các hồ sơ đều được ký và ghi ngày tháng trước nhiều ngày so với ngày phát hành hồ sơ.

Theo UBND huyện Lâm Hà, điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, dẫn đến dư luận không tốt và chỉ số hài lòng của người dân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của ngành nói chung và huyện Lâm Hà nói riêng.

Sau khi kiểm tra, phát hiện tình trạng trên, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Lâm Hà chỉ đạo ông Nghĩa cùng những cán bộ, nhân viên liên quan có báo cáo giải trình về nguyên nhân, trách nhiệm và động cơ để hồ sơ trễ hạn, không phát hành trả kết quả cho người dân.

Hạn chót để giải trình là ngày 26/5, thế nhưng ông Nghĩa vẫn không chấp hành.

Để tránh tình trạng tiêu cực, tạo dư luận không tốt đối với việc giải quyết hồ sơ trên địa bàn, UBND huyện Lâm Hà đề nghị Sở TN&MT điều chuyển ông Trần Văn Nghĩa đến đến cơ quan, đơn vị hoặc địa phương khác.

Đồng thời đề nghị sở bổ sung cho huyện một Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ có đủ điều kiện năng lực chuyên môn, trình độ, phẩm chất đạo đức thay thế ông Nghĩa để làm việc.

Lượng giao dịch bất động sản trên địa bàn huyện Lâm Hà luôn ở mức cao

Kể từ khi xuất hiện thông tin về việc triển khai dự án cao tốc kết nối tỉnh Đồng Nai lên Lâm Đồng, thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng đã sôi động hẳn lên trước sự xuất hiện của nhiều tập đoàn tên tuổi lớn tìm đến nghiên cứu đầu tư.

Cụ thể, trong quý 1 và quý 2-2021, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận một lượng lớn giao dịch bất động sản, chủ yếu là đất nền, với 24.531 giao dịch thông qua công chứng.

Bước sang quý 2 và quý 3-2021, lượng giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng có sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, song số lượng giao dịch đất nền vẫn giữ ở mức cao so với nhiều địa phương lân cận như Kon Tum, Gia Lai.

Cụ thể, trong quý 3 và quý 4-2021, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận lượng giao dịch bất động sản giảm 38% so với quý 1 và quý 2, với 15.101 giao dịch thông qua công chứng.

Tường chừng cơn sốt đất nền tại Lâm Đồng đã đạt đỉnh và bắt đầu sụt giảm, nhưng bước sang quý 1-2022, lượng giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng đã bật tăng trở lại như những giai đoạn trước đó, lượng giao dịch chiếm phần lớn vẫn là đất nền.

Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết trong quý 1 vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng có 12.467 lô đất nền giao dịch thành công, với tổng số tiền bán ra là 11.911 tỉ đồng.

Trong đó, huyện Lâm Hà dẫn đầu với 3.077 lô đất nền giao dịch thành công qua công chứng. Tiếp đến là huyện Di Linh với 1.826 lô đất nền, huyện Đức Trọng với 1.648 lô đất nền, thành phố Đà Lạt với 1.162 lô đất nền, huyện Bảo Lâm với 1.105 lô đất nền.

Phân khúc nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong quý 1-2022 cũng ghi nhận biến động tăng so với quý 4-2021, với 899 căn giao dịch thành công với tổng số tiền bán ra là 1.934 tỉ đồng. Trong đó, tập trung nhiều nhất là tại huyện Bảo Lâm, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.