Người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi Thông tư hướng dẫn cho vay hỗ trợ nhà ở được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng ký ban hành. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Thông tư ra đời rất đúng lúc và sẽ có tác dụng tốt đến thị trường bất động sản.

Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành từ tháng 1 mà đến thời điểm này các bộ liên quan mới ban hành Thông tư hướng dẫn, theo ông có phải quá chậm trễ?

Thời điểm ra đời Thông tư này rất đúng lúc vì kinh tế sau 4 tháng chưa đạt như mong muốn nhưng cũng có nhiều tín hiệu tốt lên về hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, với thị trường bất động sản gần đây, theo đánh giá của chúng tôi và những công ty nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực này như Savill, CBRE thì có nhiều hàng hóa trên thị trường bất động sản có tính thanh khoản tốt. Cụ thể: Những hàng hóa sắp hoặc đã hoàn thiện, có thể sử dụng ngay; những hàng hóa quy mô nhỏ, giá bán thấp cũng có tính thanh khoản cao. Vì thế, những người khó khăn về nhà ở, có nhu cầu thực sự nhưng không đủ nguồn lực để mua thì việc đưa gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ra thị trường sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đồng thời đánh đúng vào đối tượng hàng hóa cụ thể và nhu cầu cụ thể.

Đối tượng được mua nhà mở rộng hơn sẽ tác động thế nào tới thị trường và liệu 30.000 tỷ đồng có ít so với nhu cầu của người mua nhà, thưa ông?

Trong Thông tư hướng dẫn cho vay hỗ trợ nhà ở thì các đối tượng được mở rộng hơn so với dự thảo trước đây: Những người được mua nhà ở xã hội chỉ cần có hợp đồng; đối tượng cho vay cũng được “nới” khi người dân có nhu cầu mua nhà ở thương mại dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu/m2 cũng được vay vốn hỗ trợ. Đặc biệt, 9.000 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ này sẽ dành cho nguồn cung, tức là các doanh nghiệp xây nhà ở. Cộng hưởng những yếu tố này sẽ giúp tăng thanh khoản hàng hóa, làm ấm lên giao dịch ở phân khúc này và lan tỏa ra các phân khúc khác trên toàn thị trường bất động sản.

Hiện nay dư nợ bất động sản là trên 200.000 tỷ thì với số tiền hỗ trợ lần này đã chiếm 15%, tất nhiên, so với nhu cầu và mong muốn của người dân và doanh nghiệp thì 30.000 tỷ đồng cũng chưa đáp ứng được nhưng cũng là con số đáng kể bởi tăng trưởng tín dụng chung đến hết tháng 4 vẫn rất thấp và 15% này còn cao hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của cả nước là 12% trong năm nay. Nếu dòng tiền này được các ngân hàng thương mại nhà nước triển khai tốt, đúng đối tượng thì tôi tin rằng đây sẽ là cú hích đối với thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở quy mô nhỏ, giá rẻ.

Tiền đã có, chính sách lãi suất hỗ trợ cũng được thực hiện nhưng có nhiều ý kiến lo ngại là không đủ nguồn cung cho thị trường, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đối với giai đoạn hiện nay phải tác động vào cả hai đầu là cung và cầu. Theo thống kê của Bộ Xây dựng hiện cả nước có khoảng 60 dự án nhà ở xã hội đang trong quá trình triển khai, kể cả làm dự án từ đầu cũng như chuyển sang nhà ở xã hội, với quy mô khoảng vài chục ngàn căn nhà.

Riêng tại địa bàn Hà Nội, vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 sẽ triển khai và khởi công từ 5-7 dự án, không kể những dự án đang làm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thống kê được riêng các bộ, ngành trung ương đăng ký về nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay là gần 100 ngàn căn hộ. Điều này có thể khẳng định đây là một thị trường rộng lớn, chúng ta bước đầu đã tạo ra nguồn cung và sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nhà ở xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Duy Minh (Báo Công thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.