Nhiều chủ đầu tư đã tung ra chương trình hỗ trợ lãi suất nhằm thu hút khách hàng. Trong ảnh: dự án The Imperia, An Phú, Q.2, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Tuy nhiên, với hàng loạt rào cản về thủ tục, dòng tiền yếu, lãi suất cao, nguồn cung nhiều..., thị trường BĐS được dự báo chưa thể sôi động trở lại trong thời gian tới.
Hỗ trợ lãi suất
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố chương trình hỗ trợ 4% lãi suất trong thời hạn hai năm (2011-2012) cho các khách hàng mua căn hộ tại ba dự án do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư, dự kiến được tung ra bán trong quý 1-2011. Đây là chương trình được HAGL phối hợp cùng VPBank thực hiện với khoảng 2.300 căn hộ của ba dự án Thanh Bình, Incomex và Phú Hoàng Anh. “Chỉ cần người mua nộp đủ 30% giá trị của căn hộ, số tiền còn lại phải nộp trong hai năm sẽ được VPBank cho vay mà không cần chứng minh thu nhập và khoản vay này sẽ được giảm 4% lãi suất...” - ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT Công ty HAGL, nói.
Trước đó cuối tháng 12-2010, Công ty CP phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) tung ra chương trình kích cầu đối với sản phẩm của dự án The Everich II. Theo đó, những khách hàng mua 150 căn hộ của dự án này (đợt 2) chỉ phải nộp trước 30% giá trị, phần còn lại sẽ thanh toán khi nhận bàn giao căn hộ (dự kiến vào năm 2013). Khoản tiền mà khách hàng phải nộp đến thời điểm nhận căn hộ sẽ được PDR hỗ trợ 100% lãi suất.
Chương trình kích cầu BĐS thật ra được khởi xướng bởi Công ty Setia Becamex - chủ đầu tư dự án Ecolakes (Bình Dương) - vào đầu quý 4-2010, sau đó lan rộng trên thị trường. Theo công bố của Setia Becamex, khách hàng mua sản phẩm của dự án này chỉ cần trả 30% tổng giá trị căn nhà, số tiền còn lại được chủ đầu tư hỗ trợ 100% lãi suất cho đến thời điểm nhận nhà.
Đến giữa tháng 12-2010, chủ đầu tư dự án Imperia An Phú (tên cũ là Blooming Park, Q.2, TP.HCM) đưa ra gói hỗ trợ thậm chí còn hấp dẫn hơn. Khách hàng chỉ cần đảm bảo nộp đủ 25% giá trị căn hộ kể từ khi ký hợp đồng mua đến thời điểm nhận nhà, ngân hàng bắt đầu tham gia cho vay khi khách hàng nộp được 15%. Khoản vay của khách hàng (tương đương 45% giá trị căn hộ) được chủ đầu tư hỗ trợ 100% lãi suất.
Cuộc đua kích cầu BĐS này đã kéo theo hàng loạt chủ đầu tư dự án BĐS khác tham gia, dưới nhiều hình thức và mức độ hỗ trợ khác nhau cho khách hàng mua sản phẩm. Trong đó có thể kể đến như Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (dự án Trường Thọ), Công ty Đất Xanh (dự án Sun View), Công ty CP xây dựng Phước Thành (dự án Hoàng Kim Thế Gia)...
Cơ hội cho người có nhu cầu thật sự
Ông Nguyễn Thành Lâm - phó tổng giám đốc Công ty Setia Becamex - cho biết kể từ khi chương trình kích cầu này được triển khai, dự án Ecolakes đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng hơn, trong đó đã có hơn 100 khách hàng mua nhà theo gói hỗ trợ này. Ông Đoàn Nguyên Đức cũng kỳ vọng với giá bán căn hộ ở mức hợp lý, việc áp dụng chương trình hỗ trợ này sẽ góp phần giúp thanh khoản tại các dự án của HAGL tốt hơn.
“Nhu cầu mua nhà để ở tại TP.HCM hiện vẫn đang rất lớn, nhưng một trong những rào cản lớn nhất hiện nay đối với thị trường BĐS là lãi suất ngân hàng quá cao. Không phải ai cũng đủ can đảm vay vốn mua nhà trong bối cảnh lãi suất ngân hàng lên tới 18%/năm như hiện nay, chưa kể giá căn hộ tại nhiều dự án vẫn đang ở mức cao một cách bất hợp lý” - ông Đoàn Nguyên Đức nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạt - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PDR - cho rằng thị trường BĐS khó có khả năng sôi động trở lại nếu lãi suất ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Việc hỗ trợ khách hàng dưới hình thức “bao” lãi suất, theo ông Đạt, không những giúp nhiều nhà đầu tư có cơ hội mua được nhiều sản phẩm hơn do chỉ phải lo 30% giá trị căn hộ mà không chịu sức ép lãi vay ngân hàng, mà người có nhu cầu mua nhà để ở thật sự cũng có một thời gian khá dài để tích lũy tiền...
Theo một số chuyên gia BĐS, không chỉ khách hàng mà bản thân các chủ đầu tư cũng chịu sức ép của lãi suất. Việc giảm giá bán sản phẩm, chấp nhận giảm lợi nhuận để ra hàng nhanh, thu hồi vốn sớm hơn cũng là một động thái “tự cứu mình” của các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, tổng giám đốc một công ty BĐS cho rằng hầu hết những dự án BĐS có chương trình giảm giá hấp dẫn đều rơi vào các chủ đầu tư là những công ty BĐS lớn, có tiềm lực tài chính, đặc biệt là nguồn đất sạch giá rẻ. Trong khi đó, hàng loạt dự án BĐS khác hiện đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm không thể tham gia kích cầu do năng lực tài chính yếu.