Thực tế cho thấy, không thể để tồn tại việc hàng nghìn công nhân thiếu chỗ ở trong khi dự án nhà ở dành cho họ lại biến tướng thành nơi kinh doanh.

Từ một dự án đầy ý nghĩa

Trước khi có dự án nhà ở Kim Chung, những công nhân làm việc tại công nghiệp Bắc Thăng Long từng rơi vào cảnh thiếu chỗ ở trầm trọng. Vào lúc cao điểm nhất, có tới gần 30.000 lao động trong khu công nghiệp dẫn đến khủng hoảng nhà ở, nhiều công nhân phải tràn ra thuê nhà trọ nhà dân. Điều này khiến tình hình an ninh trật tự trở nên bất ổn, đời sống các công nhân không được đảm bảo, thậm chí nhiều công nhân phải nghỉ việc vì không có chỗ ở.

Doanh nghiệp cùng đành cắt giảm lao động ảnh hưởng kinh tế. Trước tình hình ấy, UBND Thành phố ký duyệt cho xây dựng dự án nhà ở thí điểm phục vụ công nhân xã Kim Chung. Trước khi đi hoàn thành, dự án này được cho rằng có ý nghĩa vô cùng thiết thực, nhiều công nhân mong chờ. Dự án được cho rằng sẽ đáp ứng nhu cầu dân sinh bức xúc của đông đảo người lao động Thủ đô đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung và Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nói riêng.

Chính vì mục đích thiết thực và ý nghĩa nãy mà khu nhà ở Kim Chung được nhiều ưu ái và quan tâm từ các cấp chính quyền. Đây cũng là dự án đầu tiên và duy nhất của cả nước có quy mô lớn khoảng 20ha được xây dựng đồng bộ với đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật-xã hội như một khu đô thị lớn, giải quyết được được chỗ ở ổn định, chất lượng phù hợp giúp công nhân lao động yên tâm làm việc.

Song, kể từ khi đi vào sử dụng tới nay, khu chung cư Kim Chung từ dự án được mong chờ nhất đã biến thành dự án thiếu hiệu quả nhất. Ngược lại với kỳ vọng của thành phố, công nhân không mặn mà việc thuê trọ tại dự án này mà vẫn tiếp tục thuê nhà dân.

Rất nhiều lý do được đưa ra từ phía các nhà quản lý. Như trả lời báo chí bà Lê Thị Thanh Hường – Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà ở xã hội – nơi chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ khu nhà ở công nhân tại đây cho rằng: “Theo kế hoạch, khi các khu nhà ở này đưa vào sử dụng thì kèm theo cả các công trình phụ trợ phục vụ dự án như nhà trẻ mẫu giáo, công viên cây xanh, bãi đỗ xe tập trung. Thế nhưng quỹ nhà đã đưa vào vận hành được 6 năm nay, nhưng các hạng mục trên vẫn chưa hề có.

Đó là chưa kể đến thiết kế của khu nhà NO-01 và NO-02 khi đưa vào khai thác không phù hợp với thực tế. Đơn cử như một phòng ở sức chứa hơn 20 công nhân nhưng khu phụ lại quá nhỏ chỉ có 2 chậu rửa mặt, 2 bệ xí nên không đáp ứng được. Công nhân đi làm theo ca, ví dụ 7h sáng tất cả đều dậy đi làm mà người này cứ chờ người kia để vào vệ sinh cá nhân thì sẽ muộn giờ”.

Còn ông Lê Thanh Uyên – Phó chủ tịch UBND xã Kim Chung lý giải: “Công nhân lao động phần lớn đều là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Họ có nhu cầu đi chơi, tụ tập, giải trí… mà các ban quản lý khu nhà khống chế thời gian đi về là việc khiến họ rất khó chấp nhận. Ngoài ra việc tiếp bạn bè, người thân đến thăm cũng bị giới hạn, kiểm soát hoặc phải vào khu tiếp khách riêng nên mất đi sự riêng tư. Đây có lẽ là mấu chốt khiến các dự án nhà ở cho công nhân không thu hút được người đến ở”.

Hay lý do rất nhiều công nhân đã nghỉ việc về quê hoặc chuyển đi làm việc ở nơi khác. Trong khi đó, nhiều dự án xây dựng nhà cho công nhân bây giờ mới hoàn tất, vậy nên việc thiếu vắng người đến thuê ở là chuyện đương nhiên.

Nhưng có lẽ, lý do dễ thấy nhất là trên các mặt báo, khi tìm hiểu về khu chung cư Kim Chung người ta thấy quá bán là sự phàn nàn về dịch vụ nơi đây. Đơn cử như những bài viết: Nhà công nhân “ế” hàng nghìn chỗ ở của báo An Ninh Thủ đô; “Khu nhà công nhân Kim Chung – Đầu tư tiền tỷ, có nguy cơ bỏ hoang” của báo Pháp luật Việt Nam, Cafef có đăng tải bài viết “Lãng phí nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp”…

Đến mục đích thực?

Rất nhiều lý do để lý giải cho việc “ế” căn hộ chung cư cho công nhân, nhưng liệu có phải vì công nhân không về ở nhiều nên Ban quản lý cụ thể là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được quyền “bẻ lái” mục đích xây dựng ban đầu?

Như đã nói ở trên, khu chung cư này được xây nhằm tạo điều kiện cho công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, phục vụ công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu nhà ở công nhân Kim Chung bất ngờ đông đúc hơn trước. Sự xuất hiện của 6 trung tâm đào tạo nghề ngoài địa bàn sử dụng gần 2.400 chỗ ở giá rẻ khiến khu nhà trở nên huyên náo hơn trước. 6 trung tâm này bao gồm: trường Đào tạo nhân lực Quốc tế -TVC, trường Đào tạo lao động xuất khẩu Nhật – Việt, Công ty CP đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long…

Việc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tự ý cho thuê đã là không đúng quy định pháp luật nhưng đáng lo ngại hơn là việc làm này khiến dấy lên nhiều nghi vấn . Một số công nhân cho rằng: Liệu có phải những quy định ngặt nghèo kia được đưa ra nhằm mục đích gây khó khăn cho công nhân, làm công nhân không muốn thuê nhà ở giá rẻ để công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội có thể tha hồ sử dụng vào mục đích cho thuê kiếm tiền “đút túi”? Việc làm của công ty này đã gây nhiều phản ảnh tiêu cực cho dự án vốn đã không được lòng công nhân này.

Quỳnh My (Công Luận)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.