Sáng 2-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Liên Chiểu về các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.
Rà soát lại các dự án ven biển
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri lo ngại về tình trạng người Trung Quốc giấu mặt, nhờ người địa phương mua đất ven biển.
Cử tri Thái Thị Thúy Hằng đề nghị TP Đà Nẵng và Chính phủ hạn chế tình trạng này nhằm bảo đảm an ninh, chính trị. Cử tri Thái Thanh Hùng cho rằng nên cân nhắc việc cho người Trung Quốc xây nhà hàng, khách sạn ở ven biển Đà Nẵng, sát sân bay Nước Mặn.
Ông Phùng Tấn Viết cho biết việc này đã được chủ tịch UBND TP giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành liên quan rà soát lại tất cả dự án ven biển có yếu tố người nước ngoài đầu tư. “TP đã biết và quản lý chặt vấn đề này, không để đất ven biển của Đà Nẵng biến thành khu phố Trung Quốc” - Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết khẳng định. Ngoài ra, ông Viết cũng đề nghị cử tri phát hiện cá nhân nào câu kết với người nước ngoài để đứng tên mua đất thì báo ngay cho chính quyền để xử lý.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, cho hay đang phối hợp với một số đơn vị liên quan rà soát lại tất cả dự án ven biển theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP. “Việc người nước ngoài giấu mặt mua đất tôi nêu ra để cảnh báo, các lực lượng khác như an ninh có thể vào cuộc kiểm tra. Họ mua đất đúng thủ tục nên mình chưa thể ngăn chặn. Đây là việc hết sức nhạy cảm, nếu công khai sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP nên tôi không thể phát ngôn gì thêm” - ông Điểu phân trần.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy quận Ngũ Hành Sơn, cũng than phiền rằng các thủ tục mua đất đều do người Việt đứng tên. “Mặc dù biết tiền mua đất là của người nước ngoài nhưng thủ tục thì người Việt làm hết, giờ không biết xử lý cách nào” - ông Bằng sốt ruột.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng, cho biết trước đây Sở Tư pháp đã thống kê có khoảng trên 10 lô đất của người nước ngoài làm thủ tục giấu mặt để mua.
Còn theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp, đoạn từ đường Hồ Xuân Hương hướng về tỉnh Quảng Nam có nhiều lô đất hiện đang thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu khu nghỉ dưỡng sang trọng mà bên trong có khá nhiều người Trung Quốc sinh hoạt.
Cử tri muốn giữ lại biệt thự xây trái phép
Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đề nghị chính quyền cho phép ông Ngô Văn Quang (Giám đốc Công ty Vàng Phước Minh, tỉnh Quảng Nam) được giữ lại biệt thự đã xây trái phép dưới chân núi Hải Vân (quận Liên Chiểu) để làm khu du lịch, do vốn đầu tư quá lớn, đập bỏ thì lãng phí.
Trả lời cử tri, ông Phùng Tấn Viết cho rằng mọi người đều phải sống và làm việc theo pháp luật. “Nếu đúng thì TP tạo mọi điều kiện để phát triển nhưng không đúng thì phải dỡ bỏ” - ông Viết khẳng định. Theo ông Viết, nếu không có gì thay đổi, biệt thự của ông Quang sẽ phải tháo dỡ trong tháng 11 tới, theo quyết định của HĐND TP Đà Nẵng.