Đây được xem là dấu mốc quan trọng của ngành trong năm, góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu mục tiêu định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với mục tiêu đón trên 15 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, ngành du lịch Việt Nam dự kiến tổng thu từ khách du lịch sẽ đạt 620.000 tỷ đồng trong năm nay.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, với những chính sách mạnh mẽ như Nghị quyết Trung ương 8 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, với một hành lang thông thoáng như Luật Du lịch thì Việt Nam đã có một cơ hội mạnh mẽ để phát triển du lịch nhanh hơn. Bên cạnh đó, theo ông Bình, yếu tố giúp tạo ra sự tăng trường mạnh mẽ cho du lịch trong năm vừa qua còn nhờ chính sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Trong một báo cáo gần đây, CBRE Việt Nam cho biết, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế bình quân đạt 27% trong 2 năm vừa qua, nằm trong những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á.
Đà tăng trưởng ấn tượng vừa rồi được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng, sự phổ biến của những hãng hàng không giá rẻ (như VietJet, AirAsia), chương trình đăng ký thị thực điện tử cho 40 quốc gia và miễn thị thực cho 5 quốc gia Châu Âu, tiêu dùng nội địa và những động thái của chính phủ nhằm khuyến khích và thúc đẩy nền du lịch quốc gia.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của lượng khách du lịch đã và đang là động lực cho ngành bất động sản, trong đó có phân khúc khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng.