Theo tin từ Bloomberg, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) dự kiến hoàn tất bản phân tích đầu tiên về hệ thống tài chính Việt Nam vào năm tới. Việc này có thể hỗ trợ Chính phủ trong việc củng cố hệ thống ngân hàng và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư.
Chương trình đánh giá tài chính (FSAP) sẽ đo độ ổn định tài chính của một quốc gia và nhận diện những yếu tố có thể gây ra khủng hoảng. Theo IMF, việc này được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, điển hình là bài kiểm tra năng lực tài chính (stress test). Họ cũng sẽ đánh giá khung pháp lý và cơ sở hạ tầng tài chính, như hệ thống chi trả và thanh toán.
Đánh giá của IMF/WB sẽ góp phần củng cố hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Anh Quân |
Theo WB, sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ngày càng được quan tâm, khi chất lượng tài sản xuống dốc và việc tái cơ cấu được đánh giá là "chậm chạp và không đủ mạnh". Hồi tháng 9, hãng đánh giá tín nhiệm Moody's cũng hạ xếp hạng của Việt Nam do lo ngại hệ thống ngân hàng yếu kém sẽ ảnh hưởng đến tài chính của chính phủ.
Ông Sanjay Kalra - Đại diện của IMF tại Hà Nội cho biết: "Rất nhiều cá nhân và tổ chức tài chính quốc tế muốn có thông tin đầy đủ hơn về hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy rất vui khi Chính phủ Việt Nam quyết định tham gia chương trình này".
Chính phủ đã tuyên bố tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là một trong ba lĩnh vực trọng tâm trong 5 năm tới. Tuy nhiên, WB nhận định đây là “quá trình chậm chạp” và sự hoạt động thiếu năng suất của các công ty này đã “kéo tụt tiềm năng phát triển dài hạn” của Việt Nam.
Kalra cho biết: "Các công ty nhà nước là những khách vay quan trọng của ngân hàng. Tuy nhiên, chúng tôi lại chưa có đủ thông tin về họ. Quá trình đánh giá sẽ dọn đường cho ‘việc cải tổ và tạo ra một hệ thống tài chính khỏe mạnh".
Theo IMF, nhóm đánh giá đầu tiên của IMF/WB đã đến Việt Nam trong quý IV và đoàn tiếp theo sẽ tới đây vào tháng 1/2013. Quá trình đánh giá sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm sau và quyết định có công bố hay không sẽ còn tùy vào Chính phủ.
WB cho biết họ sẽ khuyến khích Chính phủ "không ngại dư luận và công bố báo cáo này". Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh: "Việc này có lợi cho họ trên phương diện minh bạch thông tin. Và nó cũng sẽ gỡ bỏ mọi thắc mắc của thế giới về Việt Nam".
Thùy Linh