CafeLand - Trong tài liệu chuẩn bị cho sự kiện Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước diễn ra vào ngày mai (29/4), ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất như là một sắc thuế khi chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở như đề xuất của UBND Tp.HCM đã trình Chính phủ.

Theo đó, về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Trong trường hợp đề xuất này chưa được chấp thuận, Hiệp hội kiến nghị cho chủ đầu tư được khấu trừ chi phí thực tế giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo ông Châu, hiện nay tiền sử dụng đất vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư phải mua lại quyền sử dụng đất đến 2 lần và phải trải qua quá trình thẩm định, xét duyệt rất nhiêu khê, có thể dẫn đến tình thế chủ đầu tư phải “thỏa thuận” với đơn vị tư vấn mới có kết quả phù hợp. Cuối cùng, người tiêu dùng là người phải gánh chịu khi mua nhà do chi phí được cộng vào giá nhà.

Do vậy, ông Châu cho rằng, việc sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất vừa tạo được sự minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Đồng thời, hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.

Về việc nộp tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân tại thành phố, áp dụng Luật Đất đai 2013 vào thực tế, có nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại Tp.HCM khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở trong các vị trí hẻm sâu đã phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn các trường hợp đã được cấp sổ đỏ từ năm 2014 trở về trước. Nguyên nhân là do quy định mức giá đất thấp nhất của địa phương ban hành không được thấp hơn mức giá đất tối thiểu theo khung giá của Chính phủ.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét giao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định xây dựng bảng giá đất cho phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương thì hợp lý hơn.

PV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.