Tuy vậy, để tạo bước đột phá trong quản lý đất đai trong năm 2018 cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thực hiện đúng tiến độ các các đề án
Năm 2017, Tổng cục Quản lý đất đai được giao xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ 6 đề án, đến nay 4 đề án đã được Bộ phê duyệt, 1 đề án đang trình Bộ phê duyệt, 1 đề án đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ.
Tổng cục đã tiếp nhận tổng cộng 11.007 văn bản đến, đã hướng dẫn, trả lời, tập trung chủ yếu thuộc các lĩnh vực đăng ký, cấp giấy chứng nhận, quy hoạch, giao đất, cho thuê đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Thông qua việc thực hiện Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả mang lại những kết quả ấn tượng, trong đó đã cắt giảm thời gian thực hiện một số thủ tục xuống từ 1/3 đến 1/2 so với trước đây.
Đồng thời, Tổng cục đã đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng việc sơ kết Nghị quyết Trung ương 19 NQ/TW về chính sách đất đai, sơ kết thi hành Luật đất đai, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác; hoàn thành công tác thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của 63 tỉnh, thành phố.
Tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật quản lý nhà nước về đất đai trong năm 2018. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn hỗ trợ bước đầu thực hiện có hiệu quả theo kế hoạch đối với các dự án ODA; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; công tác cải cách hành chính được chú trọng thực hiện, đặc biệt là việc cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về đất đai của các địa phương được xử lý kịp thời, hiệu quả.
Tính đến nay, Tổng cục đã thực hiện xong các nội dung thanh tra tại 8 tỉnh, thành phố theo kế hoạch gồm: Vĩnh Phúc, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, Khánh Hòa, Gia Lai và Phú Thọ.
Kết quả cho thấy việc thực hiện từng nội dung quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương vẫn còn hạn chế, tồn tại như: một số nội dung chưa được các địa phương quy định theo phân cấp, quy định chưa rõ ràng; việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm chất lượng còn thấp, tính khả thi không cao (chỉ thực hiện 20-30%); việc phê duyệt phương án bồi thường của UBND cấp huyện có nhiều trường hợp không đúng thẩm quyền do thiếu văn bản pháp lý về ủy quyền theo quy định…
Trong công tác tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về những hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất thông qua đường dây nóng của Tổng cục và bằng văn bản, trong năm 2017 Tổng cục đã tiếp nhận được 926 thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật đất đai; trong đó đã ban hành 365 văn bản gửi địa phương xử lý; 200 văn bản hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết…
Đồng thời, đã tiếp nhận 221 trường hợp thông tin phản ánh từ báo chí về các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai của 43 tỉnh, thành phố trong cả nước; đã ban hành 163 văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, xử lý, có lưu theo dõi 58 thông tin, 38 văn bản đã được các địa phương xử lý
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, năm 2018 Tổng cục Quản lý đất đai cần tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, trong đó có công tác quản lý nhà nước về đất đai, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng trong quản lý đất đai…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch cho biết, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu năm 2018 Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đảm bảo tiến độ chất lượng; dự kiến tập trung xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 8 đề án trong năm 2018.
Đồng thời tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và cải cách hành chính; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất; công tác đo đạc, đăng ký, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…
Tổng cục Quản lý đất đai kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung và tập trung chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai; rà soát các dự án chậm triển khai, chỉ đạo tốt việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm công tác đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới, cấp giấy chứng nhận cho các nông, lâm trường và triển khai thực hiện tốt Đề án tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2016-2020.