Kết quả kiểm tra mới nhất về tình trạng các “khu đất vàng” bị bỏ hoang trên địa bàn 4 quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm cho thấy, trong tổng số 33 khu đất được kiểm tra với diện tích gần 500.000m2 có 19 khu đất trống, chưa sử dụng với diện tích khoảng 309.368m2.

Trong danh sách đất để hoang hóa nhiều năm quá thời hạn 12 tháng mà vẫn chưa sử dụng hoặc đang sử dụng sai mục đích làm bãi đỗ xe, sân bóng mini, cửa hàng gom phế liệu, quán ăn, garare sửa xe ô tô… có một số “đại gia” như: Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), Công ty CP Hacinco, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Xây dựng Dân dụng Hà Nội, Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà, Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội… Đặc biệt, Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mảnh đất rộng hơn 5.000 m2 được quây tôn “trồng cỏ” tại khu đô thị mới Cầu Giấy từ năm 2008.

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội, thời gian vừa qua, khi tiến hành kiểm tra, Hà Nội có khoảng hơn 8 triệu m2 đất đai sử dụng chưa hợp lý đất. Việc thu hồi đất đai đã được đặt ra rất nhiều lần và trong nhiều năm vừa qua nhưng thiếu sự quyết liệt trong xử lý thực hiện. Chính vì không kiên quyết trong giám sát và xử lý vi phạm nên mới tồn tại thực trạng những khu “đất vàng” đã bị bỏ hoang tới 2 - 3 năm, chính quyền biết nhưng lại chưa thực sự mạnh tay.

Điều này không chỉ đơn giản gây ra sự lãng phí rất lớn mà còn việc vi phạm khoản 12, điều 38 của Luật Đất đai. UBND TP Hà Nội đã giao Sở, ngành xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng hơn 20 lô “đất vàng” quá thời hạn được giao vẫn để đất trống hoặc sử dụng sai mục đích, yêu cầu đơn vị cho thuê sai mục đích phải chấm dứt việc cho thuê và nộp số tiền cho thuê sai mục đích vào ngân sách thành phố. Đối với trường hợp vi phạm, không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi quyết định giao chủ đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Tuy hợp đồng đầu tư và luật pháp đã rõ ràng, không có khả năng triển khai, không suôn sẻ tài chính để tiếp tục hoặc chủ đầu tư đã phá sản thì đương nhiên phải thu hồi. Không chỉ ở Hà Nội, mà tỉnh nào, thành phố nào cũng có hàng nghìn ha dự án bỏ hoang, nhiều nơi cũng tuyên bố thu hồi. Nhưng ai cũng biết chuyện thu hồi là rất “nhạy cảm”... bởi còn bao nhiêu thứ tiền đã mất, đã bỏ ra để có “đất vàng” thì làm sao? Lại còn lợi ích nhóm với bao kế hoạch làm tiền trên đất? Những dự án “xí chỗ” ấy thản nhiên bỏ mặc đất hoang nhiều năm liền để chờ cơ hội.

Đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Long An tuyên bố trong quý II, tỉnh sẽ thu hồi xong hàng nghìn ha đất đã cấp cho những dự án không hiệu quả hay bỏ hoang. Những tưởng ông Chủ tịch Long An... “chém gió” song đến nay 57 ha dự án không thực hiện trong đó có 2 sân golf đã thu hồi xong, 3.000 ha đất từng là bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang 5, 6 năm trời cho cỏ mọc đã được giao lại cho nông dân làm cánh đồng mẫu lớn. Lúa đã mọc lên và có nơi đã thu hoạch trên 10 tấn một ha!

Lần này không phải lần đầu tiên UBND TP Hà Nội đề cập đến việc xử lý đối với những trường hợp vi phạm trong quản lý đất đai, cũng đã từng có nhiều lần “điểm mặt chỉ tên” số lượng dự án, số trường hợp vi phạm, nhưng sau đó đâu lại hoàn đấy. Ngay cả trong các kỳ họp HĐND, các đại biểu cũng không ít lần lo ngại trước việc “giơ cao đánh khẽ” đối với công cuộc thu hồi đất hoang của Thủ đô.

Hy vọng việc lần đầu tiên hàng loạt đại gia lớn bị “điểm mặt chỉ tên”, Hà Nội sẽ xóa hết các nhà đầu tư “chơi trò xí phần” bằng việc thu hồi đất vàng để giảm số lượng đất hoang hóa ở Thủ đô.

Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.