CafeLand - Trong hội thảo “Phát triển Hệ sinh thái Fintech: Bài học kinh nghiệm và đề xuất nhằm hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam” mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, hiện nay còn nhiều rào cản pháp lý để phát triển hệ sinh thái Fintech.

Trong hơn hai năm qua NHNN đã triển khai, nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với Fintech trong lĩnh vực thanh toán như QR Code, thẻ chip; xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện lập trình ứng dụng mở (open API), cho vay ngang hàng... nghiên cứu xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trình Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, NHNN cho biết đang phải đối mặt với các rào cản không hề nhỏ khi chưa có một khuôn khổ pháp lý và thể chế quản lý cụ thể đối với lĩnh vực Fintech.

Ngân hàng mong muốn hợp tác đôi bên cùng có lợi để tạo hệ sinh thái Fintech

Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Fintech NHNN, cho biết hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech có vai trò quan trọng của Chính phủ.

Theo ông Sơn, cần hiểu rõ vai trò của các TCTD cũng như các công ty Fintech trong hệ sinh thái đó và khẳng định, các chính sách của NHNN luôn hướng tới tăng cường sự hợp tác cùng có lợi giữa ngân hàng và Fintech.

Bốn rào cản pháp lý

Trao đổi về thực trạng và định hướng phát triển Fintech ở Việt Nam, ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng phòng, Vụ Thanh toán đã chỉ ra bốn rào cản về pháp lý trong tiến trình này.

Đó là thể chế quản lý hoạt động Fintech hiện chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý cụ thể nào; chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan tới hoạt động Fintech; ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, cơ bản các hoạt động khác của Fintech chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý hiện hành; cuối cùng, các quy định pháp lý hiện hành liên quan tới hoạt động nghiệp vụ của các TCTD chưa cho phép việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán.

Có thể thấy, “việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tổng thể cho lĩnh vực Fintech là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của CMCN 4.0, đặc biệt trong ngắn hạn khi chưa thể ngay lập tức xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tổng thể”, ông Đức cho hay.

Gần 9 tỉ USD sẽ rót vào Fintech

Fintech là lĩnh vực có nhiều khía cạnh khác nhau như ví điện tử, cổng thanh toán, cho vay ngang hàng, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC. Theo số liệu thống kê, tổng đầu tư vào Fintech khu vực trong năm 2018 đạt 16 tỉ USD, gấp đôi năm 2017, tính riêng tại Việt Nam cuối năm 2017 đã có 4,4 tỉ USD rót vào lĩnh vực này và dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020.

Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech. Tại Việt Nam, số lượng các công ty Fintech đã tăng gần gấp bốn lần từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến gần 150 công ty ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, Fintech ở Việt Nam hiện đang phát triển ở giai đoạn đầu do hệ sinh thái còn đang trong quá trình hoàn thiện, đồng thời lĩnh vực này hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khuôn khổ pháp lý, vốn và nguồn lực con người.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc quốc gia Visa, cho rằng sự xuất hiện của các ứng dụng nền tảng số như Grab, Uber, AbnB, Go Viet... đã thay đổi cách mua sắm, di chuyển và sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng. Điều này đã kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech tạo ra nền tảng cổng thanh toán trên mobile.

"Chúng ta thấy đó là một vòng khép kín và đó không phải là một xu hướng bất thường tại riêng Việt Nam. Các ngân hàng buộc phải thức tỉnh và hành động nhanh hơn để bắt kịp với xu hướng và nhu cầu khách hàng. Chúng ta phải mở rộng vòng tạo thành một nền tảng mở, công nghệ mới tạo nên sự đột phá cho thị trường thanh toán", bà Dung nói.

  • Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành

    Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành

    CafeLand - Trước bối cảnh Fed, ECB cắt giảm lãi suất điều hành, cùng với đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm lãi suất điều hành từ ngày 16/9 để hỗ trợ nền kinh tế.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.