Sử dụng đất ổn định 30 năm, nhưng gần 200 hộ dân thuộc tổ 1, P. Mễ Trì, Q. Nam Từ Liêm vẫn đang mòn mỏi chờ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích đất ở, xác nhận đăng ký diện tích đất nông nghiệp.
Nhiều năm trôi qua, số hộ dân nói trên vẫn phải sống trong cảnh thấp thỏm, ở thì không được xây dựng nhà cửa, đi thì không có chủ trương thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng. Tất cả là do khu đất bị vướng vào một quy hoạch do UBND quận Nam Từ Liêm trình thành phố phê duyệt trước đó.
Hàng trăm hộ dân đường Lương Thế Vinh đang phải sống cảnh thấp thỏm
Ở ổn định, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính
Theo phản ánh của các hộ dân tổ 1 phường Mễ Trì, hiện trong khu vực có khoảng gần 200 hộ gia đình sinh sống ổn định từ cuối những năm 1980. Đa số đất người dân sử dụng được Nhà nước giao, sau đó ông cha tiếp tục để lại cho con cháu sử dụng, số còn lại nhận chuyển nhượng của người trong thôn.
Theo người dân về hiện trạng sử dụng đất hiện nay, đại đa số các hộ sinh sống đã ổn định hàng chục năm. Trên đất đã xây dựng nhà 3,4 tầng và nhà cấp 4, tất cả đều đã kê khai và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đất ở với Nhà nước.
“Qua nghiên cứu chính sách của Nhà nước và UBND TP Hà Nội tại Luật đất đai năm 2013; Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…, đối chiếu với các quy định trên, các hộ dân chúng tôi thấy rằng mình đủ điều kiện được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định”, ý kiến của người dân trong đơn gửi tới các cơ quan chức năng.
Theo thông tin các hộ dân cung cấp, tại thời điểm nghiên cứu quy hoạch phân khu đô thị H2-2 các sở, ngành của UBND TP Hà Nội chưa khảo sát hiện trạng đất ở trong làng xóm đã tồn tại từ những năm 1980 cũng như không lấy ý kiến của người dân đang sinh sống tại phạm vi lập quy hoạch để đảm bảo đồ án sau khi phê duyệt có tính khả thi. Cho nên, việc người dân không thể thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như làm các thủ tục với chính quyền địa phương để xin phép xây dựng nhà ở được cho là không phù hợp với quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt”.
Theo tìm hiểu, cuối năm 2016, Sở TN&MT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mễ Trì tiến hành rà soát hiện trạng sử dụng đất, giải quyết kiến nghị của người dân. Tháng 11/2016, phường Mễ Trì có báo cáo số 2260, về nguồn gốc và hiện trạng sử dụng khu đất nằm trên đường Lương Thế Vinh. Phường Mễ Trì xác định, khu vực giáp đường Lương Thế Vinh, phường Mễ Trì có nguồn gốc là đất dịch vụ do UBND xã Mễ Trì giao trái thẩm quyền cho 22 hộ từ khoảng năm 1987 đến trước năm 1994 làm đất dịch vụ (giao đất có thu tiền sử dụng đất). Theo bản đồ đo đạc năm 1994 xã Mễ Trì và Sổ mục kê ruộng đất 1994, vị trí khu đất trên nằm trên tờ bản đồ số 42, tỷ lệ 1/500 đo đạc năm 1994 xã Mễ Trì, sổ mục kê ghi loại đất thổ cư. Sau khi được giao đất năm 1987, các hộ làm nhà ở ổn định cho đến nay.
Khu đất nông nghiệp 1,5ha được các hộ đang sử dụng làm nhà ở có nguồn gốc là đất giao theo Nghị định 64 cho các hộ xã viên của HTX Mễ Trì Thượng. Từ năm 2001, 2002 các hộ đã tự mua bán chuyển nhượng sau đó đã xây dựng nhà cấp 4 trái phép để ở đến nay, hiện có khoảng 131 hộ đang sử dụng.
Còn UBND quận Nam Từ Liêm đã có Công văn số 1998/UBND-TNMT gửi Sở TN&MT TP Hà Nội, trong đó cho rằng: “Căn cứ theo khoản 5, Điều 20, Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 18/12/2015 của UBND thành phố Hà Nội quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do UBND cấp xã, Hợp tác xã, thôn giao làm nhà ở không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/2014, nếu không phù hợp với quy hoạch khu dân cư thì không được công nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy chứng nhận, nhưng được tạm thời sử dụng đất theo hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm lập hồ sơ cho các hộ gia đình, cá nhân thuê đất để sử dụng tạm thời theo hiện trạng; thời hạn thuê đất là hàng năm”.
Tuy nhiên, là cấp chính quyền trực tiếp quản lý địa bàn dân cư gửi đơn kêu cứu, ngày 11/7/2016, UBND phường Mễ Trì đã có Báo cáo số 2260/BC-UBND gửi các sở ngành TP Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm. Văn bản do ông Đào Tăng Quýnh- Chủ tịch UBND phường Mễ Trì đề xuất: Từ việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công tác quản lý của UBND phường Mễ Trì cũng như quá trình giải quyết, UBND phường Mễ Trì kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 30 hộ đang sử dụng đất giáp đường Lương Thế Vinh và cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai cho 131 hộ đang sử dụng đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/Cp đã chuyển sang làm nhà ở.
Quy hoạch liệu có khả thi?
Theo tìm hiểu mặc dù hàng trăm hộ dân sinh sống ổn định và tất cả đều đã kê khai, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đất ở với Nhà nước và chính UBND quận Nam Từ Liêm trong văn bản số 822/UBND-QLĐT gửi UBND TP Hà Nội ngày 20/5/2016 cũng thừa nhận “Hiện các hộ dân đang sinh sống ổn định. Công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn…”. Thế nhưng, liên tiếp trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, UBND quận Nam Từ có văn bản gửi thành phố đề nghị thu hồi diện tích đất mà gần 200 hộ dân đang sinh sống để giao cho doanh nghiệp.
Cụ thể, tháng 4/2011, lúc đó là huyện Từ Liêm đề nghị thành phố giao lại khu đất để một doanh nghiệp xây dựng dự án “Tổ hợp trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê”. Đến tháng 4/2013, UBND huyện Từ Liêm tiếp tục có báo cáo gửi UBND TP về việc triển khai thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Thế nhưng từ thời điểm đó đến nay, UBND huyện Từ Liêm (nay là UBND quận Nam Từ Liêm) chưa thể triển khai thực hiện các bước tiếp theo do UBND TP không chấp thuận.
Theo UBND Phường Mễ Trì, các hộ dân ở đây từng nhiều lần đề đạt nguyện vọng được cấp sổ đỏ để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống nhưng chưa được đáp ứng vì vướng quy hoạch. Cụ thể, cuối năm 2015, UBND TP.Hà Nội phê duyệt phân khu đô thị có ký hiệu H2-2, tỷ lệ 1/500 các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm thì toàn bộ diện tích đất ở khu vực tổ dân phố số 1 được quy hoạch mở rộng đường Lương Thế Vinh và đất có chức năng công cộng nên không thể cấp sổ đỏ.
Còn đại diện UBND quận Nam Từ Liêm cho hay, tháng 6/2016, UBND TP.Hà Nội đồng ý chủ trương cho UBND Q.Nam Từ Liêm xây dựng công trình công cộng, tuy nhiên chưa biết khi nào triển khai được. Trong khi đó, nếu để triển khai dự án là rất khó khả thi do tình trạng mua bán chuyển nhượng đất diễn ra phức tạp, kéo dài, cộng với việc người dân khiếu nại kéo dài nên khó có thể giải phóng mặt bằng.
Cần cấp sổ đỏ cho dân
Theo một chuyên gia về quy hoạch, chính quyền cơ sở đã quá quan liêu khi lập đề án quy hoạch khu đất mà hàng trăm hộ dân đã sinh sống ổn định hàng chục năm trời, hàng trăm công trình xây dựng kiên cố ngay giữa khu vực sầm uất của Thủ đô. Trong khi theo quy định hiện hành những khu vực này người dân hoàn toàn có quyền được cấp sổ đỏ (ngoại trừ việc vướng quy hoạch).
Vậy nguồn cơn của việc vướng quy hoạch này nằm ở đâu ngoài việc chính chính quyền quận Nam Từ Liêm đã "vẽ" ra quy hoạch rồi tham mưu không đúng để thành phố ký phê duyệt quy hoạch một dự án "vịt giời" trên khu đất của người dân. “Việc thành phố cần làm ngay là điều chỉnh ngay lại quy hoạch đã phê duyệt do cấp dưới tham mưu sai này”, vị này nói.
Còn theo luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), căn cứ vào nguồn gốc và lịch sử sử dụng đất của khoảng 200 hộ dân đã được chính quyền địa phương xác định, người dân sinh sống hàng chục năm, kê khai hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Chiếu theo quy định hiện hành tại Luật đất đai năm 2013; Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Công nhận tài sản khác gắn liền với đất; Đăng ký biến động về sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng động dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài; Chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở trên địa bàn thành phố và Chỉ thị 11/CT-UBND ngày 17/5/2016 về các nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội... Các hộ dân nói trên đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ) cùng giấy xác nhận đăng ký đất đai.
ANTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.