Theo các chuyên gia tham dự Hội thảo “Ý nghĩa và tính thực tiễn của Nghị quyết 02 trong việc giải quyết hàng tồn kho bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM, tính thực tiễn có ý nghĩa lớn nhất trong Nghị quyết 02 là gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, gói kích cầu này mới chỉ nhắm vào các đối tượng mua nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong khi đó, nhu cầu được hỗ trợ rất lớn hiện nay là lượng hàng tồn kho bất động sản lại không nằm trong gói này. Thống kê từ Sở Xây dựng TP. HCM, trên địa bàn Thành phố có khoảng 14.490 căn hộ tồn kho, với trị giá khoảng hơn 24.500 tỷ đồng. Trong đó có 2.300 căn hộ đã xây dựng hoàn thành và hơn 12.000 căn hộ đang xây dựng, phần nhiều sản phẩm tồn kho có diện tích lớn hơn 70 m2.
Để giải bài toán hàng tồn, các doanh nghiệp khiến nghị cho chia nhỏ thành những căn hộ có diện tích 30 - 40 m2 - Ảnh: Lê Toàn
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, so với năm 2012, lượng hàng tồn kho bất động sản hiện đã tăng hơn 20%. Tuy nhiên, theo ông Nam, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không phải để cứu thị trường bất động sản, mà chủ yếu là hỗ trợ người thu nhập thấp có điều kiện mua nhà và giúp thị trường điều chỉnh, rà soát lại các dự án và cơ cấu diện tích sản phẩm phù hợp.
Thị trường bất động sản trải qua một thời gian dài khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc kiệt sức. Chính vì vậy, ngay sau khi có quy định cho phép doanh nghiệp chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, đã thu hút khá nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện Hà Nội và TP. HCM đã có hơn 60 dự án xin điều chỉnh diện tích từ nhà thương mại sang nhà xã hội, với khoảng 35.000 căn hộ và một số dự án đã được duyệt. Hiện 2 địa phương này đang thành lập tổ công tác để xem xét dự án nào điều chỉnh từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội và chia nhỏ căn hộ để xem xét cho làm một cách riêng, quy trình riêng, nhằm đảm bảo thời gian sớm nhất.
Theo các doanh nghiệp, việc cho phép doanh nghiệp chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội có ý nghĩa rất lớn, tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển đổi vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân cho rằng, Hoàng Quân có kế hoạch làm dự án nhà ở xã hội tại 10 tỉnh, thành và đã đăng ký xin chuyển đổi 5 dự án. Tuy nhiên, hiện mới được Bộ Xây dựng cho chuyển đổi 2 dự án. Theo ông Tuấn, phân khúc cho thuê nhà ở thương mại còn rất lớn, nhưng rất thiếu cơ chế hỗ trợ. Hiện quy định chi tiết mới chỉ đáp ứng được cho TP. HCM và Hà Nội, còn các địa phương còn lại vẫn chưa có.
Cũng đánh giá cao chính sách cho phép chuyển đổi dự án và chia nhỏ căn hộ, nhưng ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, chưa thể giải quyết được bài toán hàng tồn kho bất động sản hiện nay. Bởi lẽ, vấn đề then chốt của tồn kho bất động sản hiện nay là các căn diện tích lớn trên 70 m2, giá bán trên 1 tỷ đồng/căn. Vì vậy, để giải bài toán hàng tồn kho, Chính phủ nên cho phép doanh nghiệp chia nhỏ căn hộ thành những căn có diện tích 30 - 40 m2 (thay vì quy định diện tích tối thiểu 45 m2), giá bán 500 - 600 triệu đồng/căn, phù hợp với sức mua của người dân, như vậy doanh nghiệp sẽ bán được hàng mà không cần chuyển đổi sang nhà ở xã hội, mở rộng mô hình nhà ở xã hội theo phương thức thương mại với tên gọi nhà bình dân.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Nghị quyết 02 được ban hành rất đúng trong bối cảnh thị trường hiện nay, tuy nhiên, khó tránh khỏi những vướng mắc trong quá trình triển khai, vì vậy Bộ sẽ tiếp tục ghi nhận và có kiến nghị sửa đổi lên Chính phủ.