Kết quả thu nợ thấp
Còn 47 dự án trên địa bàn thủ đô đang nợ tiền SDĐ với hơn 3 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa
Trong đó nợ thông thường có 26 dự án với số tiền 804 tỷ; nợ của 15 dự án có vướng mắc công tác GPMB 1.289 tỷ, thuộc các địa bàn huyện Mê Linh và các địa bàn thuộc Hà Tây cũ.
Đối với nợ của các dự án được giao đất để xây dựng văn phòng làm việc và cho thuê có khó khăn về tài chính gồm 5 dự án với số tiền 376 tỷ; 9 dự án được gia hạn nhưng phải nộp trước ngày 30/6 là 629 tỷ đồng; 3 dự án được gia hạn theo nghị quyết số 13 có thời hạn phải nộp tiền SDĐ sau 30/6 là 131 tỷ.
Trước đó đến thời điểm 31/12/2012 trên địa bàn có 51 dự án không thuộc đối tượng gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo quy định của nghị quyết số 02 và thông tư số 16 với tổng số tiền 3.364 tỷ đồng.
Các trường hợp này cơ quan thuế đã rà soát, phân tích nợ của từng dự án, mời các chủ đầu tư đến làm việc, xử phạt chậm nộp đến áp dụng những biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật quản lý thuế. UBND các quận huyện thị xã cũng vào cuộc, mời các chủ đầu tư lên làm việc để đôn đốc thu… Tuy nhiên do khó khăn về tài chính, các dự án không bố trí được nguồn nên kết quả thu nợ đạt thấp.
UBND TP cũng cho biết đến 28/4/2013 số nợ của các tổ chức, cá nhân thuê đất không thuộc đối tượng giảm tiền thuê đất 86 tỷ đồng của 1.487 đối tượng.
Thu hồi dự án, chuyển hồ sơ sang công an
Để đảm bảo chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp tiền SDĐ, tiền thuê đất, tới đây Hà Nội sẽ hỗ trợ người nộp thuế về chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất.
UBND TP giao cơ quan thuế kiểm tra, rà soát, phân loại nợ để có biện pháp xử lý thu hồi nợ đọng phù hợp.
Đối với các dự án có biểu hiện chây ì phải có biện pháp kiên quyết xử lý, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Trong trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an…