“Nhếch nhác” vì sống trên đất vàng
Mới đây, báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của các hộ gia đình đang sinh sống tại số nhà 43F – 47C phố Ngô Quyền và số 36A Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội về nỗi khổ sống trên "đất vàng" nằm trong dự án treo gần 3 thập kỉ.
Theo đơn phản ánh, hiện nay gần 20 hộ dân sống trong những căn nhà lụp xụp, dột nát trên khu "đất vàng” từ số nhà 43F đến 47C phố Ngô Quyền và số 36A Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không được sửa chữa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do dính dự án treo.
Người dân sống khốn khổ trong dự án treo 30 năm.
Các hộ dân tại đây cho rằng, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án “Xây dựng Trụ sở của Kho bạc nhà nước T.Ư” là trái với bản quy hoạch chi tiết của Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hơn 30 năm qua, hàng chục hộ dân vẫn miệt mài “kêu cứu” từ cấp Trung ương xuống địa phương. Thế nhưng, đến nay mọi giải pháp tháo gỡ đều như “mò kim đáy bể”.
Dự án Công trình Trung tâm giao dịch Kho bạc Nhà nước Trung ương được khởi xướng từ năm 1992 với tên hiệu là K92, xây dựng trên diện tích 1.417 m2 đất tại góc phố Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (từ số nhà 43E đến 47C Ngô Quyền và số 36A Trần Hưng Đạo).
Năm 1993, căn cứ đề nghị của chủ đầu tư và các cơ quan tham mưu, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi khu đất này để xây dựng công trình nhưng các hộ dân đã phản ứng dữ dội và không đồng ý giao đất, bởi khu đất trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đất ở từ năm 1988 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, theo Quyết định số 108/1988/QĐ-TTg ngày 20/6/1988 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch Thành phố Hà Nội và bản quyết định quy hoạch chi tiết số 96/2000/QĐ-UB của Chủ tịch UBND Thành phố thì đây là khu vực dân cư được kí hiệu là C43/NO, không sử dụng vào xây dựng công trình trụ sở cơ quan.
Thế nhưng, không hiểu sao chỉ một năm sau đó, ngày 20/8/2001 Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội (PCT TP) Lê Quý Đôn lại ra Quyết định 4718/QĐ-UB về việc gia hạn sử dụng đất cho Kho bạc Nhà nước Trung ương, đồng thời hiệu chỉnh tổng số diện tích mặt bằng xuống còn 1.328 m2. Tiếp đó là 4 quyết định gia hạn liên tục được ban hành trong các năm 2002, 2003, 2004, 2006.
Như vậy, rõ ràng việc ký Quyết định gia hạn sử dụng đất của PCT TP Lê Quý Đôn là hoàn toàn trái với quyết định của Chủ tịch TP Hoàng Văn Nghiên về văn bản quy hoạch chi tiết TP. Hà Nội mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Chưa dừng lại ở đó, điều người dân bức xúc và hoài nghi nhất là việc hiệu chỉnh tổng số diện tích mặt bằng xây dựng của công trình K92 từ 1.417m2 xuống 1.328m2 hiện nay là 1.233,7m2 của PCT TP Lê Quý Đôn là nhằm mục đích gì? Tại sao số nhà 43E Ngô Quyền cũng nằm trong diện tích dự án K92 vẫn được xây 5 tầng? được bán qua lại nhiều lần? Còn lại từ số nhà 43F đến 47 C và số 36A Trần Hưng Đạo không được sửa chữa, cải tạo.?
Người dân phải chịu cảnh nhếch nhác đến bao giờ?
Trước đây, khi Dự án bắt đầu triển khai GPMB người dân có nhận được bảng giá các loại đất trên địa bàn Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 2951/QĐ-UB ngày 8/11/1994 của UBND Thành phố, cụ thể đơn giá tại khu định cư mới chỉ có 1,15 triệu đồng/m2.
Người dân cho rằng mức giá đền bù trên là quá thấp bởi, nếu so sánh với khu vực đường Kim Mã- Cầu Giấy cũng là đất loại 1, đa số nhà dân ở đây phải di chuyển cũng là thuê của Nhà nước lại được hưởng mức giá cao nhất là 9,8 triệu đồng/m2.
"Phải chăng từ một Nghị định về đất đai của Chính phủ và Quyết định của UBND Thành phố mà mỗi quận lại có một chính sách đền bù riêng?” – người dân đặt câu hỏi.
Một góc phố Trần Hưng Đạo.
Mong mỏi được đền bù thỏa đáng, chính quyền lắng nghe ý kiến nguyện vọng của mình nên suốt hàng chục năm qua, hàng chục hộ dân đang sinh sống trên “đất vàng” Thủ đô vẫn miệt mài mang đơn đi kêu cứu.
Nhưng sự hồi đáp của chính quyền Thành phố vẫn là những quyết định điều chỉnh dự án được ban hành một cách im lặng mà không có bất cứ một trao đổi, thỏa thuận nào từ người dân.
Đơn cử như ngày 20/9/2007, UBND quận Hoàn Kiếm có quyết định điều chỉnh phương án tái định cư cho 15 chủ sử dụng nhà, đất tại số 43F đến 47C Ngô Quyền và số 36A chuyển từ khu đô thị Định Công sang khu đô thị Nam Trung Yên.
Tuy nhiên, các hộ dân vẫn không chấp nhận phương án tái định cư vì cảm thấy còn rất nhiều điều chưa được sáng tỏ trong quyết định thu hồi của UBND thành phố.
Sự mệt mỏi in hằn lên nét mặt của những người đại diện các hộ dân trong suốt hàng chục năm mòn mỏi mang đơn đi “cầu cứu”.
Họ cho biết, lúc này tất thảy hộ dân mong muốn chính quyền Hà Nội hãy thực sự lắng nghe ý kiến của người dân, xem xét thấu đáo những ý kiến chính đáng của người dân để sớm có những quyết sách dứt khoát “đi hay ở” phù hợp đối với những hộ dân này.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị được chất vấn với lãnh đạo thành phố về khu đất này nhưng không được đáp ứng. Mỗi quyết định của thành phố đưa ra, chúng tôi lại cảm thấy người dân không được bày tỏ ý kiến của mình. Nếu không di dời, hoặc ở lại, thì thành phố cũng nên dứt khoát, tránh tình trạng dây dưa, kéo dài làm khổ dân”.
Thế nhưng, càng “kêu cứu” dường như chính quyền Thành phố lại càng thờ ơ khi cách đây hơn 2 năm, ngày 31/3/2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã có Thông báo Thu hồi đất số 106/TB-UBND gửi đến 15 hộ dân trong diện giải tỏa của khu dự án K92.
Cụ thể, Thông báo này cho biết, khu đất số 36A Trần Hưng Đạo và 43F-47C phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu thay cho Dự án Trụ sở Kho bác Nhà nước Trung ương trước đây, dù Trường tiểu học Võ Thị Sáu hiện đang hoạt động ổn định tại địa chỉ số 35 Trần Hưng Đạo - Phường Phan Chu Trinh - Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Và bất ngờ hơn, tại Thông báo số 325 – TB/QU ngày 25/10/2018 của Quận ủy Hoàn Kiếm, Dự án đầu tư xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu được thông báo sẽ được thực hiện theo 2 phân kỳ.
Phân kỳ 1 sẽ lập phương án thiết kế trên diện tích đất đã GPMB là 985m2, phân kỳ 2 sẽ tiếp tục GPMB phần còn lại để bảo đảm hoàn chỉnh tổng thể dự án.
Điều này có nghĩa rằng, tới đây nếu dự án được triển khai phân kỳ 1 trên diện tích đất đã được giải phóng thì số phận của 20 hộ dân vẫn tiếp tục sống trong chờ đợi, nhếch nhác. “Liệu chính quyền đang cố tình dồn người dân đến đường cùng?” – người dân nghi ngại cho hay.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 8/8, PV có đặt lịch làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề của người dân nêu trên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có sự phản hồi từ UBND quận Hoàn Kiếm.
Ngày 14/8, PV tiếp tục liên hệ với văn phòng của UBND quận Hoàn Kiếm, thì được nhân viên văn phòng thông báo đã báo cáo sự việc cho Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, và sẽ sắp xếp lịch làm việc với PV sớm nhất.
Dự án K92 là tên viết tắt của công trình Kho bạch Nhà nước Trung ương được khởi xướng từ năm 1993. Trải qua 26 năm, số phận của Dự án long đong như chính cuộc sống của hàng chục hộ dân nơi đây. Đơn thư khiếu kiện mỗi năm lại dày thêm, Dự án cứ thế mặc nhiên được Thành phố điều chỉnh “tùy ý” và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Người dân mệt mỏi cho hay, “nếu di dời, hoặc ở lại, thì thành phố cũng cần dứt khoát, tránh tình trạng dây dưa, kéo dài làm khổ dân”. |