15/11/2019 7:10 AM
CafeLand - Đó là nhận định của GS. Đặng Hùng Võ khi đánh giá về Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội “Về giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Theo đó, nếu dự thảo này được thông qua, việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024, với mức tăng bình quân 30% cho giá các loại đất.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết mức điều chỉnh 30% này chưa sát với thị trường. Bởi theo dự tính khung giá đất của Chính phủ, khu vực cao nhất là 340 triệu đồng/m2. Trên thực tế, giá đất tại Hàng Ngang, Hàng Đào là 700-800 triệu đồng/m2, trong khi đó Hà Nội đề xuất cũng chỉ có 210 triệu đồng/m2.

“Như vậy, giá này thấp hơn rất nhiều so với khung giá của Chính phủ. Đồng thời thấp hơn rất nhiều so với giá trị trường. Tức là thấp hơn giá trị thật mà chúng ta cần hướng tới rất nhiều lần”, GS. Võ khẳng định.

Ông Võ cho rằng, mọi người đang nhầm lẫn khi tăng bảng giá đất của Nhà nước thì giá thị trường sẽ xuống. Trên thực tế, nếu ta giảm giá đất của nhà nước thì giá thị trường sẽ tiếp tục lên, điều này sẽ càng đẩy mạnh đầu cơ.

“Giảm bảng giá của nhà nước có nghĩa là giảm thuế, giảm thuế thì tình trạng đầu cơ sẽ lớn”, ông Võ giải thích, đồng thời cho rằng mức tăng 30% không có tác động gì tới thị trường bất động sản.

Theo ông Võ, bảng giá đất là bảng để tính thuế nhưng tại Việt Nam và Hà Nội rất thích áp bảng giá đất nhân với hệ số để định giá cho các trường hợp cụ thể. Đây chính là yếu tố tham nhũng.

“Bởi nhân với hệ số là bao nhiêu không có quy trình để xác định, thành phố muốn quyết như thế nào thì quyết. Điều này dẫn đến bất cập là người dân sẽ bị thiệt khi bị thu hồi đất”, ông Võ lý giải.

Ngoài ra, theo ông, giao đất không thông qua đấu giá cũng sẽ làm lợi cho các chủ đầu tư, nếu tăng lên ở mức độ như dự thảo cũng không giải quyết được bức xúc về giá đất.

Điều chỉnhg giá đất tăng 30% là chưa sát với thực tế.

“Cách để giải quyết được thì giá đất phải tăng bằng đúng thị trường, có như vậy mới hạn chế được đầu cơ”, ông Võ nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình, lại cho rằng việc tăng giá đất 30% sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Lý do là khi đền bù thu hồi đất để làm dự án, doanh nghiệp sẽ phải bỏ khá nhiều tiền.

Ví dụ, tại khu vực trung tâm đền 210 triệu đồng/m2, ở khu vực ngoại thành 4,5 triệu đồng/m2. Nếu cộng cả chi phí giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng và chi phí xây dựng… sẽ khiến giá nhà bán cho người dân bị đội lên.

Theo ông Thanh, hiện nay giá nhà đất đã quá cao so với thu nhập người dân. Vì vậy nếu tiếp tục tăng sẽ khiến cho việc tiếp cận nhà ở của người dân trở nên khó khăn hơn.

Một số chuyên gia đánh giá, trên thực tế khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20-30% khung giá đất thị trường, khung giá đất cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30-60% giá đất thị trường tại địa phương. Điều này đã dẫn đến nhiều bất cập khi thu hồi đất, cụ thể là người bị thu hồi đất phải chịu thiệt thòi và không đồng thuận.

Trước đó, tại hội nghị phản biện xã hội về dự thảo này, một số đại biểu cho rằng, thành phố cần kiến nghị với Chính phủ để được xây dựng cơ chế đặc thù vì giá đất của Hà Nội cao hơn giá đất của tất cả các thành phố lớn trong cả nước.

Việc điều chỉnh giá đất của thành phố giai đoạn 2020-2024, nhất là khu vực nông nghiệp, một số khu vực thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Vì vậy giá đất cần phải được điều chỉnh cho thỏa đáng để người dân không bị thiệt thòi.

Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, cho biết việc xây dựng bảng giá các loại đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường là cần thiết để bảng giá tiếp cận gần hơn với giá phổ biến trên thị trường, góp phần thiết lập cơ chế đồng bộ trong quản lý đất đai, làm cơ sở thực hiện chính sách tài chính về đất.

Dự thảo Nghị quyết bảng giá đất nêu trên sẽ được trình HĐND xem xét, thông qua tại kỳ họp đầu tháng 12/2019.

Được biết, trong quá trình lấy ý kiến, liên ngành thành phố Hà Nội đề xuất giá đất ở quận Hoàn Kiếm gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào và Lê Thái Tổ cao nhất khoảng 200 triệu đồng/m2.

Trong phương án điều chỉnh mức giá đất áp dụng trong giai đoạn 2020 - 2024, giá đất ở đô thị thấp nhất được đề xuất là hơn 4,5 triệu đồng, thuộc địa bàn quận Hà Đông.

  • Từ năm 2020, giá đất Hà Nội có thể tăng đến 30%

    Từ năm 2020, giá đất Hà Nội có thể tăng đến 30%

    CafeLand - Theo Dự thảo nghị quyết của HĐND Thành phố Hà Nội, việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội được áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024, với mức tăng bình quân 30% cho giá các loại đất.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.