17/07/2013 9:00 PM
Đất rừng giá bán như cho, đất thổ cư giảm giá hơn 50% cũng không ai hỏi mua là tình trạng chung của Sóc Sơn- Hà Nội hiện nay. Đó là hậu quả nhãn tiền do việc đầu tư đất theo phong trào, đầu tư đất ồ ạt.
Mảnh đất này chỉ cách sau tấm biển báo rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn vài chục mét đã được được chia lô để bán. Ảnh internet.

Ngay sau thông tin nhà của ca sĩ Mỹ Linh và họa sĩ Thành Chương xây trái phép trên đất rừng thì việc rao bán đất với giá 10.000 đồng/m2 lại tiếp tục làm nóng thêm tình hình đất ở Sóc Sơn. Dù đã khẳng định ngay từ đầu “đất Sóc Sơn 10.000 đồng/m2 vẫn còn đắt” nhưng vì tò mò mà anh Ngô Duy Khương (Cầu giấy Hà Nội)– một người đầu tư đất nhiều năm, cũng nhấc máy liên hệ với người đăng tin rao bán đất với giá như trên. Qua trao đổi, người bán cho biết khu đất rao bán thuộc xã Minh Trí, đi qua sân golf, qua hồ nước là đến. Đất có diện tích 13ha liền nhau, là đất trồng rừng hiện có cả cây to cây bé, giá 100 triệu đồng/ha.

Nói về giá đất Sóc Sơn, anh Khương ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi cũng có mảnh đất hơn 500m2 ở thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược mua đúng đợt sốt đất năm 2010. Hồi đó đúng là cảnh tranh mua tranh bán, hơn 500m2 tôi mua với giá 1,1 tỉ đồng cũng thấy hả hê. Đất có giấy tờ sổ đỏ đầy đủ mà tới giờ bán chả ai mua. Có hỏi thì cũng ngó ra ngó vào rồi chờ đợi giảm giá thêm chứ chả ai nhiệt tình mua cả, huống chi đất rừng giấy tờ không có, lại là đất không được phép xây dựng”. Anh Khương cho biết, hầu hết những mảnh đất có giá rẻ như cho đấy là đất rừng và phải mua với diện tích lớn, giá trị khoảng hơn 1 tỉ đồng trở lên. Đất chỉ được phép trồng rừng chứ không thể xây nhà vườn hay trang trại để kinh doanh. Anh Khương cũng khẳng định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng của những mảnh đất này cũng rất khó. Bởi không phải đất nào cũng được chuyển đổi, việc chuyển đổi cũng phải có quy hoạch của Nhà nước và kèm theo rất nhiều chi phí.

Thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược có đến gần nửa số hộ dân (những hộ ra cư trú tại thôn từ những năm 1980 trở lại đây) hiện chưa được cấp sổ đỏ mà chỉ được xác nhận vị trí và diện tích trên bản đồ địa chính của thôn xã. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu mua bán thì người dân vẫn có thể tiến hành thuận lợi vì thủ tục rất đơn giản. Ông Nguyễn Minh Năm, cán bộ quân đội về hưu, người xóm Đông, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược khẳng định: “Việc trao đổi giữa bên mua và bên bán thì sẽ có chính quyền thôn đứng ra xác nhận đất này là đất chính chủ ở đây thời gian là bao nhiêu, diện tích bao nhiêu, thôn nào cũng có bản đồ địa chính họ sẽ xác nhận đầy đủ. Ở đây đất đai mua đi bán lại nhiều lần rồi mà cũng có xảy ra kiện cáo bao giờ đâu nên hoàn toàn yên tâm”.

Về phía chính quyền địa phương, bà Lê Thị Hải, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết: “Đất rừng trên địa bàn Sóc Sơn không được phép mua bán chuyển nhượng do đó những giao dịch về quyền sử dụng đất rừng là không đúng và không được thừa nhận. Tình trạng người bán khẳng định có giấy tờ đầy đủ cũng chỉ là thông tin một chiều để phục vụ mục đích bán đất của họ và nó hoàn toàn không có cơ sở”.

Bà Hải cũng khẳng định, việc mua bán đất rừng hay đất thổ cư với xác nhận của thôn xã là những tồn tại từ năm 2005 trở về trước và đã được thanh tra xử lý. Hiện nay, tình trạng đó không còn, giao dịch đúng thủ tục là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Lâm Yến (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.