Xin trả dự án nhà xã hội
Mới đây chủ đầu tư một dự án nhà ở thương mại được TP duyệt cho chuyển sang làm nhà ở xã hội đã làm đơn xin không tham gia chương trình, trả lại dự án để quay về làm nhà thương mại.
Đại diện đơn vị này giải thích, là một trong những dự án được duyệt cho chuyển đổi đầu tiên, nhưng làm thủ tục cả nửa năm mà không giải quyết được gì, không được cho vay tiền. Bên cạnh đó, khách hàng mua nhà cũng phải xác minh rất nhiều vấn đề với đủ loại thủ tục... nhưng cuối cùng cũng không vay được. “Dự án gặp khó khăn, doanh nghiệp (DN) đói vốn mới xin vào chương trình làm nhà xã hội để được tham gia gói 30.000 tỉ đồng. Nhưng làm hồ sơ mãi vẫn không được duyệt vay nên chúng tôi xin ra khỏi chương trình”, vị này cho hay.
Giám đốc một DN được duyệt chuyển từ dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội khác cũng cho biết, dự án của công ty đã được duyệt cho chuyển đổi từ cuối năm 2013 nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình thẩm định thiết kế ở Bộ Xây dựng, chưa biết bao giờ mới xong khâu thủ tục để có thể khởi công.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận xét giải pháp cho chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội từng được nhiều chủ dự án hồ hởi đón nhận như một lối thoát cho tồn kho bất động sản. Nhưng tâm trạng hồ hởi này đã nhanh chóng nguội đi bởi những rắc rối phức tạp từ thủ tục hành chính và từ chính nội tại các DN. Do quá khó khăn, mất thời gian cộng với không vay được tiền nên DN phải quay về làm nhà thương mại để bán.
Để thị trường quyết định
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng gói 30.000 tỉ đồng đang gặp thử thách khi cả DN và người dân muốn tham gia đều bị “hành” vì thủ tục. Đó là lý do nhiều DN xin trả dự án, quay về làm nhà thương mại.
Người trong cuộc, giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM phân tích DN không có vốn mới xin làm nhà ở xã hội để được vay ưu đãi gói 30.000 tỉ đồng, nhưng thủ tục vay vốn quá khó buộc DN tìm giải pháp khác dễ dàng hơn. Trong khi đó, tính thanh khoản hiện đang tăng, DN làm nhà thương mại bán lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều. Ngoài ra, các DN quá khó khăn cũng đang tìm đến các DN mạnh hơn để liên kết hoặc bán toàn bộ dự án để thu hồi vốn, thậm chí bán lỗ. Nên họ không còn mặn mà với gói 30.000 tỉ quá ì ạch.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia bất động sản, việc các ngân hàng yêu cầu điều kiện khắt khe về tài sản thế chấp, về phương án trả nợ... là cần thiết. Bởi nếu không, tình trạng nợ xấu từ gói này sẽ nảy sinh và tiếp tục gây tắc vốn cho hệ thống tín dụng. Nhưng từ việc các DN tìm ra con đường khác cho thấy, thị trường bất động sản đang tự giải quyết các vấn đề của nó. Nếu thấy làm nhà thương mại bán tốt hơn, DN sẽ không cố bám víu vào gói tín dụng nữa. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận những bất cập của gói 30.000 tỉ đồng để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, chứ không thể để như cái “bánh vẽ”, nhìn bề ngoài thấy thơm ngon nhưng “ăn” không được. Quan trọng hơn là đừng để người dân, DN nản lòng, thậm chí mất lòng tin vào các chính sách của nhà nước.
Đồng quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường bất động sản đang có tín hiệu phục hồi nên nhiều DN cũng tạm dừng việc xin chuyển đổi để nghe ngóng. Bên cạnh đó, hiện giá nhà thương mại so với nhà ở xã hội cũng không cao hơn nên khách hàng vẫn muốn mua nhà thương mại với thủ tục vay vốn dễ dàng.
“Nhà ở xã hội không hấp dẫn nữa do nhà ở thương mại giá rẻ, đối tượng không phân biệt, được sở hữu ngay, giá cũng không chênh lệch, chỉ khoảng 10 - 15% (chủ yếu là tiền sử dụng đất - PV), khách hàng mua được bán ngay không cần phải chờ sau 5 năm”, ông Châu phân tích.
Như vậy sau hơn 1 năm triển khai, gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho người dân và DN lại tiếp tục tắc ở cả 2 đối tượng thụ hưởng là người dân và DN.
2.000 căn hộ tái định cư chưa biết về đâu Sở Xây dựng TP.HCM công bố cuối năm 2013 sẽ có khoảng 2.000 căn hộ tái định cư trên địa bàn TP chuyển sang làm nhà ở xã hội, có dự án giá chỉ khoảng 6 triệu đồng/m2. Trong đó, khu tái định cư Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh có khoảng 1.300 căn sẽ được chuyển đổi sang nhà ở xã hội, số căn hộ còn lại sẽ lấy từ các dự án khu tái định cư Phú Mỹ 1, chung cư Tân Mỹ (Q.7), dự án chung cư 481 Bến Ba Đình (Q.8) và chung cư An Lạc (Q.Bình Tân). Tuy nhiên đến nay chương trình này vẫn chưa thể triển khai. Một đại diện Sở Xây dựng cho biết kế hoạch cụ thể hiện vẫn đang trình UBND TP xem xét triển khai |