Thông tin tích cực về việc bài toán nợ nần ở châu Âu và Mỹ tìm được lời giải, đã kéo lùi thị trường vàng trong phiên giao dịch 21/7, khi nhà đầu tư ồ ạt bán ra lượng vàng nắm giữ trong tay.
Giới đầu tư “cược” giá vàng còn bật mạnh

Giới đầu tư tin rằng, giá vàng còn bật mạnh.

Cụ thể, giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex ở New York hạ 9,9 USD/ounce, tương đương 0,62%, xuống 1.587 USD/ounce. Biên độ biến động trong phiên giao dịch là từ 1.584,9 - 1.605 USD/ounce. Khối lượng chuyển nhượng trên toàn thị trường đạt tới 2,2 triệu ounce, cao nhất kể từ cuối tháng 5 trở lại đây.

Hôm qua, kết thúc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã thỏa thuận rằng, khu vực tư nhân sẽ đóng góp 37 tỷ Euro trong gói cứu trợ khổng lồ thứ hai trị giá 109 tỷ Euro dành cho Hy Lạp.

Cùng với khoản vay mới, thỏa thuận cũng bao gồm cam kết từ phía các lãnh đạo châu Âu về việc tiếp tục hỗ trợ cho Athens, cho đến khi nước này có thể tiếp cận được với thị trường tài chính. Như vậy người đóng thuế tại châu Âu sẽ phải góp tiền để cứu Hy Lạp trong nhiều năm.

Ngoài ra, để tránh gây ra hoảng loạn trên các thị trường, lãnh đạo các nước thuộc châu Âu công bố thay đổi, nới lỏng điều kiện cho vay giải cứu của quỹ 440 tỷ Euro. Lãi suất cho Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp vay sẽ xuống mức 3,5% và sẽ không phải trả lại trong 30 năm.

Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết, những quyết định này là rất quan trọng. Theo ông, đây là lần đầu tiên kể từ sau khi khủng hoảng nợ công nổ ra, chính trị và thị trường sát cánh cùng nhau.

Trong một diễn biến khác, một báo cáo từ Mỹ cho hay, Tổng thống nước này Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện đang tiến gần tới một thỏa thuận về nâng trần nợ trước hạn chót 2/8. Theo đó, nước Mỹ sẽ thoát khỏi cảnh vỡ nợ, nguy cơ chưa từng xảy ra trước đây.

Trước đó, đêm 19/7, với tỷ lệ 234 phiếu thuận và 190 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về cắt giảm chi tiêu 6.000 tỷ USD trong ngân sách liên bang để đổi lấy việc nâng mức trần vay nợ của chính phủ thêm 2.400 tỷ USD.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng thách thức nợ công của Mỹ nên được giải quyết, song cần được xử lý theo hướng "tiếp cận cân bằng". Ông cảnh báo, "không còn nhiều thời gian" để ngăn chặn thảm họa vỡ nợ cho nước Mỹ khi thời hạn chót đang đến gần.

Ông Obama cảnh báo nguy cơ xảy ra "phản ứng tiêu cực trên các thị trường tài chính" trong ngắn hạn nếu tranh cãi chính trị hiện nay không được nhanh chóng giải quyết, đồng thời kêu gọi Quốc hội đang bị chia rẽ "sớm tìm kiếm một thỏa thuận" nhằm tránh để Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ vào đầu tháng 8/2011.

Mặc dù thị trường hôm qua đã đón nhận hai thông tin tích cực từ Mỹ và châu Âu, nhưng theo tính toán của giới đầu cơ vàng, giá mặt hàng kim loại quý này vẫn còn có khả năng tăng cao trong thời gian tới, do đang có nhiều yếu tố hỗ trợ ngoài vấn đề nợ công ở hai bờ Đại Tây Dương.

Theo Irakli Menabde, quản lý quỹ M2 Capital Partners, giá vàng có thể vượt qua mức cao kỷ lục 1.609,51 USD/ounce xác lập hồi đầu tuần này. "Đó là một trong những cơ hội đầu tư hấp dẫn nhất lúc này", ông này nói.

Giá kim loại vàng thường giảm trong mùa hè, nhưng diễn biến tháng qua không như vậy, bởi "vàng là sự phản ánh những gì đang diễn ra trong việc hoạch định các chính sách tài chính và tiền tệ ở khu vực các nước phát triển và những gì đang xảy ra ở các nền kinh tế mới nổi đang bị đe dọa bởi tỷ lệ lạm phát cao".

Giá vàng, kim loại quý thường được xem là thiên đường đầu tư an toàn trong những giai đoạn kinh tế khủng hoảng, thời gian qua đã tăng mạnh do những lo sợ về khủng hoảng nợ công ở hai bờ Đại Tây Dương. Trong những năm gần đây, giá vàng cũng đã tăng mạnh so sức mua tăng cao từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngoài ra, tình hình lạm phát ngày càng leo thang ở các nền kinh tế mới nổi cũng góp phần đẩy bật nhu cầu của thị trường. Đặc biệt là ở Ấn Độ, lạm phát ở nước này hiện rất cao và nhu cầu đầu tư vào vàng ngày càng phổ biến.

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới giá vàng là việc các quỹ ETF tăng mua vàng vật chất. Robbert Van Batenburg, Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Louis Capital Markets cho rằng, việc các quỹ ETF tăng mua vàng vật chất để tích trữ có thể gây ra những hậu quả tiêu cực.

Trong một diễn biến khác, theo tờ New York Times, các chuyên gia tài chính Phố Wall vẫn đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là vỡ nợ xảy ra với nước Mỹ. Các tổ chức tài chính đang tiến hành biện pháp để giảm thiểu rủi ro khi nắm giữ trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ hoặc tìm cách kiếm lời nếu mọi chuyện tích cực hơn.

Ngay cả khi Chính phủ Mỹ đạt được thỏa thuận về trần nợ, một số chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại, những bế tắc vừa qua đã tác động xấu đến uy tín của Mỹ trên thị trường.

Hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's tái cảnh báo rằng, 50% khả năng tổ chức này sẽ hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ trong vòng 3 tháng, có lẽ sớm nhất là vào tháng 8. Standard & Poor's nhận thấy rủi ro thực sự là Chính phủ Mỹ có thể không đáp ứng được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách và nâng trần nợ công.

Về các thông tin kinh tế trong ngày, theo công bố của Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư thương mại của nước này trong tháng 6 vừa qua đạt 70,7 tỉ Yên. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua, Nhật Bản có thặng dư thương mại sau những ảnh hưởng của thảm họa kép động đất, sóng thần.

Xuất khẩu tháng 6 giảm tháng thứ 4 liên tiếp, chủ yếu do doanh số ô tô và điện tử giảm, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái mức giảm chỉ là 1,6%, thấp hơn nhiều so với con số 10,3% trong tháng 5 và 12,4% trong tháng 4 cùng quý. Điều này cho thấy, các nhà sản xuất Nhật Bản đang khắc phục dần chuỗi cung ứng.

Cũng trong tháng báo cáo, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 18 liên tiếp, nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng lên, nhưng mức tăng tháng 6 thấp hơn so với dự báo 11% của giới phân tích kinh tế.

Chỉ số quản lý sức mua của Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 7 đã giảm xuống 50,8 điểm, thấp nhất trong vòng 23 tháng qua. Số liệu này cũng thấp hơn cả dự báo của giới phân tích, cho dù con số trên 50 vẫn cho thấy sự tăng trưởng. Chỉ số lĩnh vực dịch vụ tháng 7 cũng giảm xuống 51,4 điểm.

Mặc dù niềm tin kinh tế đi xuống trong tháng 6, nhưng nhu cầu xuất khẩu đã giúp tăng số lượng đơn đặt hàng ở các doanh nghiệp Đức. David Kohl thuộc Julius Baer Group tại FrankFurt, nhận định, kinh tế khu vực đồng Euro sẽ mất đà trong những tháng tới. Kinh tế Đức bùng nổ chủ yếu nhờ xuất khẩu và kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.

Cũng liên quan tới kinh tế châu Âu, trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố các quy định mới, trong đó buộc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ và cho phép EC áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính mới.

Quy định mới được đưa ra trong nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi của 8.200 ngân hàng trong Liên minh châu Âu, sau khi nhiều ngân hàng đã được cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ủy viên phụ trách các thị trường nội khối của EU, Michel Barnier, khẳng định châu Âu sẽ đi tiên phong trong việc thực thi thỏa thuận toàn cầu Basel III được ký tại Basel (Thụy Sỹ) tháng 9/2010 về quản lý tiền vốn và khả năng thanh khoản của các ngân hàng.

Liên quan tới kinh tế Trung Quốc, giới phân tích dự báo, sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 sẽ không tăng trưởng mà còn có khả năng sụt giảm. Mới đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã công bố GDP quý 2 tăng trưởng chậm lại, xuống còn 9,5%.

Trong khi đó, khi đánh giá về 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới lần đầu trong năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng, tổ chức này vẫn tiếp tục quan tâm tới tình hình bong bóng bất động sản của Trung Quốc, và tỷ lệ lạm phát cao của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vòng 1 hoặc 2 tháng tới.

Nigel Chalk, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc của IMF cho hay, mặc dù những nỗ lực của Trung Quốc làm dịu tình hình giá cả bất động sản đã kìm hãm khối lượng giao dịch và biên độ, nhưng bong bóng vẫn đang hiện hữu tại một số thành phố lớn.

Bên cạnh vấn đề nhà đất, IMI cũng nhận định rằng, lạm phát tại Trung Quốc có thể sẽ còn nóng hơn trong những tháng tới. Những cú sốc không thể đoán trước từ việc giá lương thực thực phảm và hàng hóa tăng cao có thể sẽ khiến lạm phát tiếp tục cao hơn nữa.

Ngoài ra, theo IMF, đồng Nhân dân tệ vẫn đang bị định giá thấp hơn từ 3% đến 23% so với những đồng tiền khác trong rổ tiền tệ và khuyến nghị, việc tăng giá đồng tiền này là rất quan trọng cho kế hoạch cải cách tài chính và tái cân bằng nhu cầu tại Trung Quốc.
Theo Diệp Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh