Lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm, nhưng rất nhỏ giọt. Muốn giải quyết căn cơ việc giảm lãi suất, bản thân các ngân hàng thương mại (NHTM) không làm nổi, mà cần những hành động và việc làm cụ thể của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Giảm lãi suất nhỏ giọt

Hiện mới chỉ có một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất nhỏ giọt, cho khoản vay ngắn hạn. Ảnh: PV.


Thừa thanh khoản, thiếu niềm tin


Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tuần từ ngày 13 đến 19-8, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực được ưu đãi như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu vẫn là 16,5-20%/năm. Trong khi lãi suất cho vay với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 18 đến 21%/năm. Lãi suất cho vay phi sản xuất là 22-25%/năm.


Còn nhìn trên tín hiệu thị trường, hiện nhiều NHTM đã phát ra thông điệp giảm lãi suất, nhưng việc giảm này xem ra không mang tính tổng thể, mà chỉ ở một số gói cho vay ngắn hạn, nên không có tính bền vững. Ví dụ các gói hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cuối tuần qua, Eximbank cho vay VND lãi suất 17%/năm trong 3 tháng với tổng gói 500 tỷ đồng; ABBank, HDbank, SHB cũng giảm lãi suất 1-1,5%/năm cho DN sản xuất kinh doanh cá thể, hoặc phụ trợ.


Nhận định về khả năng kéo lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường về mức 17-19% như chỉ đạo của lãnh đạo NHNN, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính, cho biết: “Cập nhật từ NHNN, một số ngân hàng đang thừa tiền nhưng không thể cho vay nên đã tăng cung tiền vào dự trữ bắt buộc, khiến dự trữ bắt buộc tại NHNN dư thừa 37.000 - 38.000 tỷ đồng. Đây là dư địa để NHNN hạ lãi suất những tháng tới, chắc chắn sẽ điều hành trên nguyên tắc điều hòa vốn từ khu vực thừa sang khu vực thiếu, đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng yếu”.


Theo ông Nghĩa, hiện có dấu hiệu thừa thanh khoản cục bộ tại một số ngân hàng, bởi mặc dù từng huy động vốn nội tệ với lãi suất trên dưới 18%/năm, nhưng không ít ngân hàng đổ vào mua trái phiếu chính phủ với lãi suất 12%/năm, nghĩa là chấp nhận lỗ 6%/năm.


Ở đây, muốn giảm lãi suất cho vay, thì lãi suất huy động phải về mức trần 14%. TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, nhận định: “Lãi suất hiện bị neo lại chủ yếu vì lý do tâm lý, do các ngân hàng sợ khách hàng gửi tiền chạy sang ngân hàng khác. Bởi thực tế các ngân hàng ngoại vẫn huy động được mức 14% và cho vay 17%/năm.


“Sở dĩ 14% dân vẫn gửi, vì nhiều người dân có tiền không tin vào tính thanh khoản của nhiều NHTM nội nên đem tiền qua đó gửi. Bây giờ, NHNN đảm bảo đứng ra can thiệp, sẵn sàng điều phối và bơm tiền cho ngân hàng yếu thanh khoản, niềm tin trong một bộ phận dân cư sẽ trở lại. E ngại vàng hay chứng khoán rút vốn tiết kiệm cũng khó xảy ra tại thời điểm này, nhất là sau đợt đầu tư vàng lỗ vừa qua”- Ông Ngân nói.


Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt Bưu điện cho rằng, với trần tín dụng 20% các NHTM sẽ không cho vay ào ra được mà phải lựa chọn khách hàng. Cách làm để có nguồn vốn giá rẻ, ngoài trông vào nguồn bơm của NHNN, các NHTM sẽ đẩy mạnh nguồn vốn trong dịch vụ thanh toán.


Điều hành linh hoạt


Sau cuộc họp với 12 NHTM lớn cuối tuần qua, NHNN bắt đầu thực hiện điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Động thái đầu tiên, hôm qua, lãnh đạo NHNN đã quyết định từ 1-9 tăng 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng cũng như trên 12 tháng bằng ngoại tệ với mức lần lượt là 8% và 6% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.


Riêng Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác là 7% và 5% tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.


Theo NHNN, đây là biện pháp góp phần kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, ổn định tỷ giá. Chống đô la hoá, cơ quan này cho hay sẽ giữ nguyên trần lãi suất ngoại tệ thời gian tới và đang sửa cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay cũng nhằm mục tiêu này.


Trước e ngại về sức ép tỷ giá, NHNN khẳng định sẽ điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đến cuối năm tỷ giá biến động tối đa 1%. Định hướng này được dựa trên cơ sở diễn biến cán cân thanh toán quốc tế có khả năng thặng dư 2,5-4,5 tỷ USD và dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Trong mọi tình huống, NHNN đủ sức để can thiệp bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối.


Về mục tiêu giảm lãi suất, NHNN cho biết sẽ bỏ quy định buộc các NHTM chỉ được cho vay không quá 80% tổng số vốn huy động theo Thông tư 19. Trong bản tin của NHNN phát đi ngày 29-8, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định sẽ thường xuyên duy trì một cơ chế đối thoại chính sách giữa NHNN với các NHTM và đặc biệt với 12 NHTM hàng đầu của Việt Nam (chiếm gần 80% thị phần hoạt động).


Trừ trường hợp đột xuất, hằng quý NHNN sẽ họp với nhóm 12 ngân hàng này để kịp thời cập nhật và thảo luận những vấn đề thời sự trong kỳ của ngành.

Theo Khánh huyền (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.