21/04/2020 10:20 PM
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến chỉ đạo về triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

3 đề xuất của Bộ GTVT

Báo cáo Thủ tướng về những vấn đề liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về dự án này. Qua các buổi làm việc, hai bên thống nhất mục tiêu sẽ đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại vào tháng 9/2020. Tuy nhiên, ông Thể cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu trên, Bộ GTVT có 3 đề xuất muốn được Chính phủ xem xét đồng ý.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đi vào vận hành thương mại. Ảnh: Phạm Hùng

Thứ nhất là cho phép các chuyên gia sớm được vào Việt Nam để hoàn thành báo cáo thứ 13 – báo cáo cuối cùng về thẩm tra an toàn của dự án. “Nếu không có chuyên gia ở đây chúng ta không thể nào thực hiện được. Tổng thầu cần phải có một số chuyên gia để trực tiếp thực hiện một số việc liên quan đến báo cáo số 13, thực hiện xong thì mới vận hành được” – ông Thể nói.

Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết thêm, trong trường hợp các chuyên gia có thể vào Việt Nam trong tháng 4/2020 thì có thể giúp dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đưa vào vận hành trong tháng 9/2020. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện để các chuyên gia này có thể vào Việt Nam sớm.

Đề xuất thứ hai là sớm bàn giao dự án về cho Hà Nội, thậm chí có thể là tạm bàn giao. Theo giải thích của ông Thể, Bộ GTVT sẽ thực hiện đánh giá ngang an toàn hệ thống của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông rồi sau đó bàn giao có điều kiện cho Hà Nội. “Những hạng mục nào còn lại mà không phải thuộc an toàn hệ thống, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo tổng thầu để hoàn thành và đảm bảo bàn giao với TP Hà Nội đúng quy định” – ông Thể nói và cho biết thêm rằng, việc sớm bàn giao cho Hà Nội là để thực hiện vận hành các điều kiện để từ đó sẽ đưa dự án vào hoạt động chính thức.

Đề xuất cuối cùng của Bộ GTVT là đề nghị Chính phủ chấp thuận để TP Hà Nội đứng ra trả lãi gốc cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Theo ông Thể, tháng 7 tới đây sẽ tới kỳ hạn phải trả lãi gốc lần 2 cho dự án (kỳ trả lãi trước Bộ GTVT đã được Chính phủ đồng ý bố trí ngân sách trả). “Theo hợp đồng, dự án này chúng ta chỉ xây lắp, còn trả nợ là của TP Hà Nội. Do đó kiến nghị Thủ tướng đồng ý cho TP Hà Nội tạm bàn giao hoặc khi chưa bàn giao thì bố trí ngân sách để trả nợ luôn” – Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất.

Ông Thể giải thích thêm, chủ đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là Bộ GTVT nhưng đây là sản phẩm của Hà Nội. Do đó, khi nào sản phẩm này xong thì TP Hà Nội sẽ phải trả nợ gốc cho dự án chứ không phải T.Ư. Về phía Bộ GTVT, ông Thể cho biết, Bộ này không có tiền trong dự án. Tuy nhiên, ông Thể thừa nhận, về nguyên tắc, chỉ khi dự án được bàn giao cho TP Hà Nội thì TP mới bố trí trả nợ gốc cho dự án được. Vấn đề ở chỗ, dự án đang gặp nhiều vướng mắc khiến tiến độ kéo dài.

Xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong thực hiện xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định tại Điều 89 Luật Đầu tư công.

Cụ thể luật quy định: “Việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công liên tiếp phải đảm bảo tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước" do Luật Đầu tư 2019 mới có hiệu lực từ 1/1/2020 trong khi danh mục dự án đang thực hiện đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được phê duyệt từ các năm trước đây.

Để bảo đảm nguồn lực triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn TP, nhất là các công trình trọng điểm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về: Quyết định hỗ trợ ngân sách T.Ư cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi theo quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô; nâng tỷ lệ ngân sách TP được giữ lại hiện nay là 35% lên thành 42% cho thời kỳ ốn định ngân sách mới (2021 - 2025) để bảo đảm nguồn lực phát triển Thủ đô.

Ngoài ra, TP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất. Cho phép Hà Nội thực hiện rà soát, lựa chọn danh mục một số công trình cấp bách, cần thiết trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và có tác động lan tỏa trong việc phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông.

Đối với công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ GTVT bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020.

Qúy Nguyễn (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.