Những chính sách quyết liệt nhằm giải cứu BĐS của Chính phủ vào thời điểm cuối năm 2012 được xem là điểm sáng nhất trong một năm đầy ảm đạm của BĐS. Tuy nhiên, cách thị trường phản ứng chậm chạp trước dồn dập những chiêu thức giải cứu cho thấy niềm tin của người mua vẫn chưa quay trở lại.

Thị trường: Chờ đợi và nghe ngóng

Mặc dù những chỉ đạo rõ ràng từ Chính phủ và các ngân hàng đã có, nhưng thị trường BĐS phản ứng khá chậm trước những tin vui liên tiếp này.

Theo ví von của nhiều chuyên gia, BĐS hiện tại giống như một con bệnh lâu ngày, đã quá yếu sức, lại chưa thực sự khỏi bệnh, vì vậy những liều “thuốc bổ” lần này sẽ phải mất thời gian để có thể có tác dụng, hay nói cách khác, độ trễ của chính sách lần này sẽ dài hơn.

Thông điệp phát đi của Chính phủ cũng như các bộ ngành rất quyết liệt. Vấn đề là triển khai vào thực tiễn ở mức độ nào. Bởi thực tế có nhiều chính sách được ban hành nhưng triển khai cứ ì ạch, hoặc có quá nhiều giấy phép “con”. Tuy nhiên, những thông tin nói trên chắc chắn sẽ củng cố thêm niềm tin cho doanh nghiệp, người dân vào thị trường trong năm mới 2013.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU,
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM

Điểm tích cực nhất trên thị trường hiện nay là các nhà đầu tư đã có sự quan tâm trở lại.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ, thuộc liên minh sàn BĐS G5, một số nhà đầu tư rời bỏ thị trường đã có dấu hiệu quay trở lại xem dự án, thu thập thông tin và lạc quan, tin tưởng hơn vào thị trường.

Tuy nhiên, số lượng giao dịch thực tế gần như không có đột biến, đa phần các nhà đầu tư tiếp tục nghe ngóng, chờ đợi. Nhân viên kinh doanh của Siêu thị dự án BĐS thuộc Cengroup cho biết tác động của các chủ trương chính sách mới chỉ dừng lại ở việc làm cho nhà đầu tư lạc quan, hy vọng năm 2013 sẽ “dễ thở” hơn, còn phần nhiều người mua thực vẫn chỉ quan tâm đến các dự án giá thấp, các dự án càng cao cấp càng hiếm người mua dù được sự hỗ trợ của ngân hàng.

Một lượng lớn người mua cũng đang quan sát những hành động thực tế của Chính phủ chứ không vội vàng mua ngay khi mới chỉ có chủ trương.

Trên thực tế, những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường BĐS đã thực sự tạo nên một luồng gió “ấm” và hướng sự chú ý của người dân quay lại thị trường thay vì thờ ơ như trước.

Với mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà 16-18%/năm như hiện nay sẽ được xem xét giảm xuống đang được nhiều người mua nhà mong đợi. Bên cạnh đó, người dân cũng tin tưởng giá một số dự án còn giảm sâu hơn nữa.

Tuy nhiên, những bài học đắt giá trong nhiều năm qua đã khiến một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư còn tiền nhưng vẫn “cảnh giác” cao độ. Việc doanh nghiệp thu tiền theo tiến độ nhưng lại không xây dựng dự án theo tiến độ đã cam kết, tìm cách tăng giá bán hay “treo” dự án năm này qua năm khác, đã khiến cho người mua nhà thận trọng hơn trước rất nhiều. Đặc biệt sau khi hàng loạt ông lớn BĐS “ngã ngựa”, tâm lý nghe ngóng của người mua càng trở nên rõ rệt.

Doanh nghiệp mừng thầm, chuyên gia thận trọng

Không chỉ người dân có tâm lý chờ đợi trong việc đầu tư BĐS, nhiều doanh nghiệp cũng chỉ dám “mừng thầm”. Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, những động thái giải cứu của Chính phủ thực sự đã tháo gỡ về mặt tâm lý cho doanh nghiệp BĐS sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, giúp doanh nghiệp có được niềm tin trở lại.

Các DN BĐS cần có cái nhìn thực tế vào thị trường, bởi Chính phủ không có ý định giúp họ tăng lợi nhuận. Nếu có trợ giúp, Nhà nước chỉ giúp tăng tính thanh khoản trong giao dịch BĐS, tránh phá sản, ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác, gây lãng phí về tài sản cho xã hội. Nếu muốn tăng tính thanh khoản, bản thân doanh nghiêp phải chấp nhận giảm lợi nhuận (nếu có), thậm chí chấp nhận lỗ ở mức hợp lý.

Luật sư Trần Vũ Hải, Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải

Tuy nhiên, thị trường khôi phục như thế nào phụ thuộc nhiều vào cách thức thực hiện sắp tới, đặc biệt là những động thái của ngân hàng.

“Ít nhất phải đến hết quý I-2013, thậm chí hết nửa năm 2013 mới có thể thấy được những chuyển biến tích cực của thị trường. Còn việc sốt nóng, đầu tư siêu lợi nhuận sẽ không xảy ra” - ông Khánh nhận định.

Cũng thận trọng không kém, một doanh nghiệp BĐS cho rằng hiện tại các chính sách giải cứu mới chỉ dừng ở chủ trương, có thể Nhà nước sẽ cân nhắc lựa chọn các bước hỗ trợ theo kiểu thăm dò phản ứng của thị trường rồi mới điều chỉnh tiếp, thay vì dồn lực một lần. Chính vì thế các doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị tư thế “tự thân vận động”, nắm lấy cơ hội chứ không nên trông chờ hoàn toàn vào gói giải cứu.

“Tôi nghĩ rằng việc hỗ trợ cho người vay mua nhà, tăng cầu là động thái khơi thông thị trường đáng kể, thời kỳ cho doanh nghiệp BĐS vay dễ dàng cũng đã qua, Chính phủ chắc chắn không để BĐS phát triển hỗn loạn, bong bóng như trước kia”- doanh nghiệp này cho biết.

Thị trường vẫn chờ đợi những hành động giải cứu cụ thể. Ảnh: T. TRUNG

Nhiều chuyên gia BĐS cũng cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Nhà nước sẽ rất thận trọng bởi muốn giải cứu được cũng không hề dễ.

“Số căn hộ đã hoàn thiện thuộc diện bình dân thực tế chỉ chiếm rất nhỏ, vì vậy việc hỗ trợ cho người mua nhà để tăng cầu cũng không đơn giản. Nếu cho vay đối với các dự án dở dang, sẽ tháo gỡ được khó khăn cho nhiều doanh nghiệp BĐS đang bị kẹt vốn, nhưng cung sẽ lại tăng lên, đi ngược lại với chủ trương giảm cung của Nhà nước” - TS. Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho biết.

Những trợ giúp của Nhà nước đã có tác động tích cực lên thị trường. Tuy nhiên, để có thể có sự hồi phục thực sự, các doanh nghiệp BĐS vẫn cần phải đi một quãng đường dài, với sự nỗ lực của chính mình.

Theo Khôi Nguyên (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.