Giá vàng tăng mạnh trong bối cảnh những lo ngại về tình hình dịch bệnh, cũng như căng thẳng địa chính trị tại nhiều quốc gia gia tăng. Ảnh: Doji.
Đây là phiên thứ 6 liên tiếp giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng. Sáng 7/7, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giao dịch ở mức 49,87 - 50,32 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng mua vào và 420.000 đồng/lượng bán ra so với ngày 6/7.
Tại một số doanh nghiệp vàng lớn, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 49,95 - 50,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 49,96 - 50,14 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) đối với giao dịch bán buôn. Các mức giá này đã tăng mạnh mỗi chiều 250.000 đồng/lượng và 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên ngày 6/7.
Tại hệ thống Doji, giá vàng bán lẻ tại Hà Nội sáng nay tiếp tục tăng 350.000 đồng mua vào và tăng 450.000 đồng/lượng chiều bán ra, giao dịch ở mức 49,95 - 50,20 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 250.000 đồng/lượng. Tới trưa ngày 7/7, giá vàng SJC tại Doji hạ nhiệt hơn, giao dịch ở mức 49,90 - 50,12 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý tăng mạnh nhất tới 400.000 đồng/lượng với giao dịch ở mức 49,95 - 50,25 triệu đồng/lượng. Tới trưa 7/7, giá vàng SJC bán lẻ giao dịch tại Phú Quý là: 49,90 - 50,13 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính đẩy giá vàng lên cao. Trong đó, những nhà đầu tư tài chính thường tìm tài sản an toàn đầu tư vào và vàng là kênh đầu tư số 1. Cùng với đó, nhiều nhà đầu cơ thấy thị trường vàng “nóng sốt” thì "nhảy" vào để kiếm lời.
“Giá vàng liên tiếp tăng trong thời gian gần đây đã kích thích người ôm vàng tích trữ để bảo toàn vốn. Dự báo khả năng giá vàng thế giới thời gian tới có thể tăng lên 1.800 lên đến 1.850 USD/ounce”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ngoài nguyên nhân từ dịch COVID-19, rằng, còn có những nguyên nhân khác tác động vào thị trường vàng như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết; Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu...
Trước tình hình giá vàng tăng cao như hiện nay, TS Nguyễn Trí Hiếu nói: “Việc bán vàng ra rõ ràng là kiếm lời, song cần phải có điểm chốt lời chứ không thể chờ giá lên tiếp, giá vàng không thể lên mãi được. Sau khi bán vàng, người đầu tư cần có kế hoạch sử dụng tiền đó đầu tư sinh lời vào những màng khác, chứ không phải lấy tiền đó mang về nhà rồi chờ giá vàng xuống lại mua là không có lợi. Thời điểm này, mua vàng sẽ có nhiều rủi ro bởi chênh lệch giữa giá mua và giá bán ở trong nước rất cao ", ông Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.
Theo đó, nhà đầu tư phải theo dõi thị trường trong nước hàng ngày, hàng giờ để cập nhật tình hình; không nên sử dụng thu nhập thường xuyên như lương hay từ kinh doanh hàng ngày để đầu cơ vàng là rất nguy hiểm; chỉ sử dụng tiền tiết kiệm nhàn rỗi để đầu tư vàng và cần phân bổ số tiền mình có để đầu tư vào vàng và những lĩnh vực đầu tư khác chứ không nên "bỏ trứng vào 1 giỏ". Nếu có mua vàng thì không nên “lướt sóng” mà hãy mua tích lũy trong thời gian dài, ít nhất từ 3 đến 6 tháng trở lên.
Trả lời phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Bảo Tín - Minh Châu chia sẻ: Trong mấy ngày qua, tỷ lệ khách mua vàng tới hệ thống Bảo Tín - Minh Châu chiếm tới 60% trên tổng số khách giao dịch. Trong phiên ngày 7/7, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 10 USD/ounce khiến vàng trong nước tăng giá “phi mã”, vượt mốc 50 triệu đồng/lượng.
“Là doanh nghiệp kinh doanh vàng, chúng tôi chỉ biết khuyên các khách hàng hết sức cân nhắc khi giao dịch bởi diễn biến kinh tế, chính trị cũng như dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn hết sức phức tạp, khó lường. Khách hàng cần chọn địa điểm cửa hàng vàng uy tín có thương hiệu để giao dịch”, bà Nguyễn Thị Luyến chia sẻ.
Trước đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, chứng khoán và vàng luôn là một cặp đối nghịch. Giá vàng thường có xu hướng tăng mạnh khi kinh tế thế giới bất ổn. Trong quá khứ, có những thời điểm giá vàng tăng mạnh khi kinh tế thế giới bất ổn như kinh tế thế giới suy thoái 2008, bất ổn tại Iran vào tháng 9/2019 và hiện tại là dịch COVID-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp.
Tại thị trường quốc tế, giá kim loại quý trên các sàn giao dịch hiện đã vượt mốc 1.780 USD/ounce, ngưỡng quan trọng để vàng chinh phục ngưỡng cản tiếp theo 1.800 USD như dự báo của nhiều chuyên gia và quỹ đầu tư.
Hiện tại, vàng giao ngay trên sàn Kitco có giá 1.785,7 USD/ounce, tăng gần 12 USD so với cuối tuần trước. Giá vàng trên sàn New York (Mỹ) trong phiên giao dịch đầu tuần đêm qua (giờ Việt Nam) cũng tăng 10,7 USD, đóng cửa ở mức 1.785,1 USD/ounce.
Giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 8 cũng đã tăng gần 3 USD, giao dịch lần cuối ở mức 1792,5 USD/ounce. Đây cũng là mức giá cao nhất của vàng thế giới kể từ tháng 10/2011 đến nay.
Dù chịu áp lực chốt lời từ giới đầu tư, giá kim loại quý vẫn tăng khi chưa hề có thông tin tiêu cực nào tác động đến giá. Ngay cả thông tin thị trường lao động Mỹ tạo thêm kỷ lục 4,8 triệu việc làm trong tháng 6 cũng không khiến vàng chịu tác động quá lớn.
Vàng cũng được hưởng lợi từ việc giá trị đồng USD suy yếu so với 6 đồng ngoại tệ khác. Cùng với đó, việc dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ càng khiến giới đầu tư lo ngại về sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Việc vàng liên tục vượt cả ngưỡng cản quan trọng 1.770 USD, 1.780 USD cũng củng cố vững chắc đà tăng của mặt hàng này về mặt kỹ thuật. Nhiều chuyên gia dự báo giá kim loại quý sẽ còn tăng trong những phiên giao dịch tiếp theo, nhưng áp lực lớn nhất là tâm lý chốt lời của giới đầu tư.
Sáng 7/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD áp dụng ngày 7/7 là 23.222 VND/USD, giảm 5 đồng so với ngày 6/7.
Với biên độ tỷ giá +/-3%, Ngân hàng Vietcombank và VietinBank niêm yết từ 23.070 - 23.280 đồng/USD (mua vào/bán ra), giữ nguyên so với chốt phiên trước. Cùng với đó, ngân hàng Eximbank niêm yết tỷ giá từ 23.100 - 23.270 đồng/USD, không đổi 5 phiên gần đây.
Trong khi đó, ngân hàng BIDV lại giảm 10 đồng, hiện niêm yết tỷ giá từ 23.100 - 23.280 đồng/USD.