Mỏ dầu Rumaila ở Basra, Iraq - Ảnh: EPA/WSJ.
Theo nguồn tin của tờ Wall Street Journal, đây là những đánh giá được đưa ra trong một bản dự thảo chiến lược mới đây của OPEC, trong đó dự báo giá dầu sẽ ở mức 76 USD/thùng vào năm 2025 theo kịch bản lạc quan nhất của tổ chức này.
Giới phân tích đánh giá, dự báo giá dầu như vậy phản ánh nỗi lo của OPEC về việc các nhà khai thác dầu của Mỹ có khả năng chịu đựng mức giá thấp và tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. OPEC cũng tính đến khả năng giá dầu thô giảm xuống dưới mức 40 USD/thùng vào năm 2025 - theo nguồn tin.
“Mức giá 100 USD/thùng không có trong bất kỳ kịch bản nào”, nguồn tin là một người tham dự hội thảo chiến lược của OPEC tại Vienna, Áo mới đây cho biết.
Giá dầu thế giới đã giảm mạnh từ cuối năm ngoái do nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt. Thông thường, OPEC sẽ giảm sản lượng trong tình huống như vậy để đẩy giá dầu lên, nhưng lần này, OPEC không làm vậy. Thay vào đó, các nước OPEC, nhất là Saudi Arabia, đã đẩy mạnh khai thác và giảm giá bán dầu nhằm giữ khách.
Mấy tháng gần đây, giá dầu đã hồi phục, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng đó chỉ là sự phục hồi mong manh. Hôm qua (11/5), giá dầu giảm nhẹ do đồng USD mạnh lên.
Lúc đóng cửa tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao sau giảm 0,14 USD/thùng, còn 59,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại London giảm 0,48 USD/thùng, còn 64,91 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ hiện đã tăng 36% kể từ giữa tháng 3, nhưng vẫn thấp hơn 45% so với thời điểm tháng 6/2014.
Giá dầu xuống thấp khiến nhiều nước xuất khẩu dầu lớn gặp khó khăn về ngân sách. Chỉ có hai thành viên OPEC là Qatar và Kuwait có thể cân bằng ngân sách ở mức giá dầu 76 USD/thùng - theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hầu hết các nước OPEC còn lại cần mức giá dầu 100 USD/thùng mới có thể cân bằng ngân sách, thậm chí Algeria cần mức giá 130 USD/thùng.
Nguồn tin cho biết, OPEC đang xem xét khả năng quay lại áp dụng hệ thống hạn ngạch sản lượng mà nhóm này về cơ bản đã từ bỏ vào năm 2011 sau khi các nước thành viên mâu thuẫn về mức sản lượng có thể được khai thác.
Các thành viên OPEC không muốn áp dụng hạn ngạch vì cách làm này hạn chế khả năng của họ thu hút các hợp đồng mới, nên họ hầu như “bỏ qua” hạn ngạch.
Hiện nay, nhiều nước OPEC như Saudi Arabia và Iraq vẫn đang sản xuất dầu với tốc độ kỷ lục nhằm giữ và tăng thị phần.
Theo kế hoạch về hạn ngạch đang được xem xét, các nước thành viên nghèo nhất của OPEC có thể được sản xuất nhiều dầu hơn, chẳng hạn như Algeria hay Venezuela. Nguồn tin nói rằng, nếu OPEC hoạt động có kỷ luật hơn, khối này sẽ có sức mạnh ảnh hưởng tới thị trường nhiều hơn.