19/03/2016 9:14 AM
Yêu cầu phải có bản vẽ nhà đất được phê duyệt khi công chứng giao dịch là một thói quen từ nhiều năm nay của các cơ quan công chứng.
“Về pháp lý thì đã rõ, thẩm định bản vẽ hiện trạng nhà đất không phải là một thủ tục hành chính, không được luật quy định. Nhưng đối chiếu thực tiễn thì phải xem xét có cần thủ tục này không, dân cần hay Nhà nước cần và làm cách nào thì thuận tiện cho dân?” - ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đặt vấn đề tại cuộc họp ngày 18-3 với các sở ngành, quận huyện về thủ tục thẩm định bản vẽ hiện trạng nhà ở.
Muốn bỏ cho dân đỡ khổ
Trưởng phòng TN&MT quận Tân Phú, ông Nguyễn Văn Điều, cho rằng luật đã không quy định thì không được yêu cầu người dân phải thực hiện. Thay vào đó cần nâng trách nhiệm đơn vị đo vẽ và người dân. Ai làm sai thì phải xử lý, không thể vì ngại rủi ro mà tự đặt ra thủ tục như lâu nay. Trong trường hợp mua bán một phần, để loại trừ hẳn rủi ro cho bên mua, ông cho rằng phải tách thửa trước rồi mới chuyển nhượng, thay vì cơ quan công chứng và bên mua chỉ dựa vào bản vẽ được duyệt. “Việc tách thửa và cấp giấy chứng nhận được giải quyết trong 30 ngày làm việc nên không mất nhiều thời gian” - ông giải thích.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cũng đề nghị bỏ khâu duyệt bản vẽ vì hiện loại thủ tục này không có thời hạn giải quyết làm dân rất cực nhọc. “Nếu có thời hạn dù lâu một chút dân cũng chờ được, còn nếu vô thời hạn thì dân rất khổ. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu về khả năng sẽ có những chuyện tế nhị đằng sau để được giải quyết sớm” - ông Trường góp ý.
Ông Trường cũng đồng ý phải nâng trách nhiệm của công ty đo vẽ, nếu vẽ sai thì phải chịu trách nhiệm. Ông cho hay trong thời gian qua huyện Nhà Bè đã xử phạt bốn đơn vị đo vẽ do vẽ sai với số tiền 72 triệu đồng. “Nếu phát hiện sai sót lần thứ ba, huyện sẽ báo cáo Sở TN&MT để rút giấy phép kinh doanh” - ông cho hay.
Về trách nhiệm quản lý các đơn vị đo vẽ, ông Trần Văn Bảy đề nghị Sở TN&MT cho biết đã công bố danh sách các đơn vị đo vẽ yếu kém chưa, đã rút giấy phép kinh doanh đơn vị nào. Đại diện Sở TN&MT cho hay khi nào quận, huyện báo lên thì Sở mới biết để xử lý. Trước giờ chưa rút giấy phép hoạt động đơn vị nào vì “vi phạm chưa đến nỗi”.
Việc bỏ hay giữ khâu duyệt bản vẽ khi giao dịch nhà đất vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Ảnh: HTD
“Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn”
Về lý do cơ quan công chứng yêu cầu người dân phải đi duyệt bản vẽ trong khi luật không quy định, bà Ngô Minh Hồng, Trưởng Văn phòng công chứng Bảy Hiền, giải thích thủ tục này nhằm giúp người mua không bị từ chối đăng bộ. Chẳng hạn như khi mua bán một phần nhà, đất, về nguyên tắc thì phải tách thửa trước mới mua bán sau nhưng để thuận tiện, giảm thời gian cho người dân nên các phòng công chứng thường thực hiện “hai trong một”, vừa tách thửa vừa chuyển nhượng. Để chắc chắn người mua được đăng bộ, cần phải có bản vẽ được quận duyệt.
Trưởng phòng Công chứng số 4, ông Nguyễn Mạnh Cường, cho hay yêu cầu duyệt bản vẽ là một thói quen từ nhiều năm nay của các cơ quan công chứng. Bởi đó là căn cứ để giao dịch mua bán được an toàn, loại trừ rủi ro cho bên mua.
Khẳng định việc kiểm tra bản vẽ là cần thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thành Phương cho hay khoảng 90% các vụ tranh chấp, khiếu nại nhà đất tại quận này liên quan đến đo vẽ. “Công ty đo vẽ thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, nếu không kiểm tra thì sẽ sót lọt vi phạm nhà xây sai phép, chồng ranh lấn thửa. Do đó kiểm tra bản vẽ là cần cho dân lẫn cơ quan cấp giấy, công chứng viên” - ông Phương nói.
Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Phạm Ngọc Liên cho hay quy định không có thủ tục duyệt bản vẽ mà từ thực tiễn đặt ra. “Qua kiểm tra thì 10 trường hợp tự đo vẽ có lẽ sai đến chín. Nếu không kiểm tra trước thì sau đó người dân phải nhờ đơn vị đo vẽ chỉnh sửa tốn kém, mất thời gian. Tâm lý người dân cũng muốn được kiểm tra trước. Các công ty uy tín cũng muốn được kiểm tra bản vẽ để khách hàng an tâm” - ông Liên phân tích.
Gút lại cuộc họp, ông Trần Văn Bảy cho hay sẽ tiếp tục trao đổi với các quận, huyện, sở, ngành vì đây là vấn đề khó, giữ hay bỏ đều có thể dẫn đến khó khăn cho dân. “Sở sẽ báo cáo đầy đủ từ pháp lý đến thực trạng để TP có hướng xử lý phù hợp” - ông Bảy cho hay.
Đầu năm 2016, UBND quận 1 báo cáo TP về việc Phòng Quản lý đô thị quận 1 thường nhận được đề nghị thẩm định bản vẽ hiện trạng nhà đất. Qua rà soát đối chiếu, quận 1 thấy thủ tục này không có trong quy định mà do các công chứng viên yêu cầu khi người dân mua bán, chuyển nhượng, tách thửa nhập thửa, khai nhận di sản… Do đó, quận 1 đề nghị TP chỉ đạo cơ quan công chứng không được đặt yêu cầu như trên. Các đơn vị đo vẽ phải chịu trách nhiệm về bản vẽ này.
Sau đó, Sở Tư pháp được TP giao nhiệm vụ rà soát pháp lý và có ý kiến về đề xuất của quận 1. Một mặt Sở tự rà soát, một mặt lấy ý kiến bằng văn bản của Sở TN&MT và Sở Xây dựng. Tuy nhiên, Sở Tư pháp cho hay vẫn chưa rõ ý kiến của các sở này, đồng thời muốn lắng nghe ý kiến các quận, huyện, các cơ quan công chứng nên ngày 18-3 Sở tổ chức cuộc họp để trao đổi trực tiếp.
Nên đưa việc duyệt bản vẽ thành dịch vụ hành chính công. Vì là dịch vụ công nên người dân có nhu cầu sẽ trả chi phí để phòng Quản lý đô thị duyệt bản vẽ. Khi đó, cơ quan nhà nước không phải làm không công một công việc vất vả không có trong quy định, người dân cũng không phải chờ đợi mệt mỏi như lâu nay.
Ông PHẠM NGỌC LIÊN, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM
Cẩm Tú (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.