08/04/2012 1:48 AM
Là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa nên dự án xây dựng sân golf ở Như Thanh là một quyết định gây… sốc!
Dù có làm sân golf hay không vẫn chưa có quyết định phê duyệt , song người dân nơi đây đã rơi vào cảnh sống “lay lắt” bởi lãnh đạo huyện đã buộc họ phải ngừng… sản xuất.

Dự án sân golf Như Thanh (Thanh Hóa): Đặt dân trước nguy cơ tái nghèo?
Nhà văn hóa thôn thành điểm tập kết máy móc của chủ đầu tư.
Ảnh: Ngọc Hưng

Nhói lòng đất tốt bỏ hoang
Bộ Kế hoạch&Đầu tư vừa có báo cáo cho biết nhiều tỉnh lại tiếp tục đề nghị bổ sung quy hoạch sân golf. Tổng số sân golf đang được đề nghị đã lên đến 124, trong khi quy hoạch đến năm 2020, Việt Nam chỉ có 89 sân...

Năm 2009, Việt Nam đã quy hoạch 166 sân golf và Thủ tướng đã ra quyết định số 1946/2009 phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020, loại ra khỏi quy hoạch 76 sân, thu hồi trên 15.000 ha đất các loại.
Men theo con đường bị cày nát tơi tả bởi đủ loại xe, một ngày cuối tháng 3, PV báo Gia đình&Xã hội tìm về thôn Tân Long (xã Hải Long, Như Thanh).
Nơi đây, chính quyền huyện và nhà đầu tư đang ráo riết tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng xây dựng sân golf dù vẫn chưa có Quyết định phê duyệt cuối cùng của Thủ tướng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, một người dân ở đây phàn nàn: “Năm 2002, thực hiện chính sách giãn dân, gần 40 hộ đã đứt ruột dời nơi “chôn nhau cắt rốn” lên đây.
Lúc đó rừng hoang vu rậm rạp, đời sống vô vàn khó khăn. Bằng sự cần cù, vượt khó, những người đi khai phá vùng đất mới chúng tôi đã biến nơi đây thành những cánh đồng mía tốt tươi, cuộc sống vừa mới tạm đủ ăn, đủ mặc.
Gần đây thì chính quyền thông báo chúng tôi không được chăm sóc mía nguyên liệu nữa bởi đất này sẽ bị thu hồi làm dự án sân golf. Cả gia đình tôi sống nhờ vào 6 sào mía. Nhìn mía đang lên mơn mởn mà tiếc không bỏ được. Chúng tôi bị thu hết đất nông nghiệp, mai kia chẳng biết làm gì mà sống”.

Không chỉ vậy, ông Quách Văn Giao - Trưởng thôn Tân Long còn cho biết, ngoài trồng mía nguyên liệu, trồng cây ăn quả, cây lâu năm nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc, trồng rau, chăn nuôi gà, lợn… cuộc sống người dân mỗi ngày một khấm khá.
“Thế nhưng đã 2 năm nay, thôn, bản chúng tôi bị chính quyền xã Hải Long cấm sửa sang, xây dựng nhà cửa, cấm trồng cây ăn trái… Đối với một thôn trên 80% là người dân tộc, mất cánh đồng mía chẳng khác nào cụt tay, cụt chân, cái đói, cái nghèo tưởng lùi xa vào quá khứ, giờ đang có nguy cơ tái diễn. Ngay cả hội trường thôn, nơi bà con sinh hoạt, họp hành cũng bị chiếm dụng làm nơi tập kết máy móc, thiết bị của nhà đầu tư” - Ông Trưởng thôn bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phụng Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh - khẳng định, tổng diện tích dự án sân golf là 170 ha, có 95 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện tại, chính quyền và chủ đầu tư đang tiến hành kiểm kê, đo đạc đền bù cho dân.
Những hộ nằm trong dự án huyện đã thông báo không cho xây mới, cơi nới, sửa sang. Dự án hoàn thành sẽ là điểm nhấn thoát nghèo, tạo công ăn việc làm. Còn theo chủ đầu tư là Công ty CP du lịch và bảo tồn sinh thái Bến En thì tờ trình đã gửi lên Thủ tướng “trong khi chờ được phê duyệt, cứ chuẩn bị mọi thứ là vừa”.
Dự án sân golf Như Thanh (Thanh Hóa): Đặt dân trước nguy cơ tái nghèo?

Bà Nguyễn Thị Ngọc bên căn nhà dột nát không được sửa sang.


Bỏ mồi bắt bóng!

Cuộc sống người dân đang yên ả, đầm ấm trước đây bị đảo lộn bởi một dự án xa xỉ. Đó là ngày 19/05/2011, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh đã có tờ trình số 49/TTr-UBND gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc: Xin bổ sung quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và chủ trương đầu tư sân golf Hải Long.

Một viễn cảnh hoành tráng được vẽ ra. Nào là khu B của dự án này là Trung tâm huấn luyện thể thao thuộc xã Hải Long bao gồm 5 sân tập golf có thể kết hợp với nhau thành sân golf theo tiêu chuẩn quốc tế 27 lỗ. Nào là việc xây dựng sân golf Hải Long sẽ đảm bảo phân bố hợp lý trên các vùng và cả nước.
Nào là sân golf Hải Long sẽ đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai vùng đồi núi trung du miền núi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thể thao, dịch vụ của huyện Như Thanh và cả tỉnh Thanh Hóa. Tạo nhiều việc làm, tăng ngân sách Nhà nước, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững. Việc phát triển sân golf sẽ thu hút được đầu tư, kết hợp các hạng mục dự án khác thành khu nghỉ dưỡng có đẳng cấp quốc tế…

Về tổng thể, sân golf Hải Long có hàng chục hạng mục phụ trợ, tổng vốn đầu tư là 321,28 tỷ đồng. Trong tờ trình, lãnh đạo huyện Như Thanh nhấn mạnh tới mục tiêu, điều kiện hình thành và tiêu chí xây dựng. Từ đó khẳng định Dự án xây dựng sân golf Hải Long hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Thế nhưng, một điều đáng để báo cáo, để nói tới là việc Dự án sân golf sẽ lấy đi gần 140 ha đất mía nguyên liệu, đồng nghĩa với việc cả trăm hộ nông dân mất đất sản xuất, hàng trăm nhân khẩu sẽ làm gì để mưu sinh thì gần như không được nhắc tới? Chưa kể, những người dân thuộc diện đồng bào thiểu số, suốt ngày quẩn quanh với ruộng đồng, với phân gio cây cỏ… liệu có “chân kiếm cơm” nào trong dự án đầy xa hoa, hiện đại này?

Trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay, việc đầu tư sân golf có phải là lựa chọn khả thi? Nguồn vốn lớn, diện tích đất thu hồi nhiều, tạo việc làm cho người lao động ít và khả năng thu hồi vốn chậm. Chưa kể, nếu dự án sân golf Hải Long không được phê duyệt thì Tờ trình số 49/TTr-UBND sẽ là lực cản sự phát triển của cả vùng thôn bản xa xôi này.
Trong khi chính quyền đang ráo riết chuẩn bị, thì ngoài những cánh đồng mía, người dân đang đứt từng khúc ruột vì mồ hôi, công sức sau 10 năm thực hiện chính sách giãn dân phút chốc tan bay trong gió. Viễn cảnh giàu sang chưa thấy đâu, vừa mới ổn định người dân lại đứng trước nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn của đói, nghèo!
Theo Gia Đình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.