22/02/2019 7:09 AM
Suối Voi ở thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế được biết đến với vẻ đẹp hoang sơ, dòng nước mát lạnh, không khí trong lành là điểm du lịch sinh thái tuyệt vời. Và rồi, Suối Voi đã lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư. Các hộ dân kinh doanh ở Suối Voi đa phần là người địa phương đã có công khai hoang, làm đường, đưa Suối Voi thành thương hiệu nhưng khi dự án mở ra họ bức xúc, phản đối vì chỉ được hỗ trợ với giá “bèo”, chưa tương xứng.

Người dân phản đối dự án khu du lịch Suối Voi

Ngày 9/8/2017, Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế có Quyết định số 176/QĐ-KKTCN phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch Suối Voi với diện tích 51,79 ha, tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư - Huế (trụ sở tại phường An Cựu, TP Huế) làm đơn vị đầu tư. Theo kế hoạch, ngày 22/3/2019 dự án sẽ chính thức khởi công giai đoạn 1. Thế nhưng, dự án này có khả năng sẽ chậm tiến độ vì người dân địa phương không đồng tình với phương án hỗ trợ, đền bù.

Theo thông tin giới thiệu, khi dự án trên hoàn thiện, đây sẽ là khu du lịch sinh thái cao cấp, đầy đủ tiện nghi bao gồm khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng ẩm thực, dịch vụ vui chơi, giải trí kèm theo các dịch vụ phụ trợ. Khu du lịch Suối Voi sẽ là điểm đến lý tưởng, sẽ có đầy đủ các trò chơi mạo hiểm bên cạnh khu thiên nhiên suối thác – núi – rừng; cùng với đó là dịch vụ giải trí du lịch phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi mang đậm bản sắc văn hóa, kiến trúc của Cố đô Huế.

Tới nay, thông tin về danh sách các hộ kinh doanh, số tiền dự kiến chi trả hỗ trợ giải tỏa mặt bằng đã được niêm yết công khai tại UBND xã Lộc Tiến và được gửi đến cho từng hộ. Theo những người kinh doanh nơi đây, họ hoàn toàn ủng hộ việc doanh nghiệp đến đầu tư, sẵn sàng bàn giao mặt bằng theo quy định. Nhưng số tiền đền bù, hỗ trợ còn thấp, các hạng mục đền bù thiếu rõ ràng, chưa phù hợp nên các họ không chấp nhận.

Theo những người này, trước đây người dân lên sống ở Suối Voi chỉ mục đích hái lá, đi củi. Đến năm 1995, người dân tự bỏ kinh phí để mở đường, rất vất vả, hiểm nguy. Nhưng mọi người vẫn đồng lòng, bỏ mồ hôi công sức, tiền của, thậm chí có người đã bỏ lại cả mạng sống. Đồng thời các hộ dân cũng có công giới thiệu, quảng bá tốt nên khách đến Suối Voi ngày càng đông, dần dần tạo được thương hiệu du lịch. Họ bán nước, đồ ăn, cho thuê áo phao, sạp, giữ xe… 20 năm qua, các hộ này đều nộp thuế đầy đủ theo quy định của nhà nước, lúc đầu mỗi năm chỉ nộp 500 nghìn đồng nhưng đến nay tổng tiền phải nộp lên tới vài chục triệu/năm.

Phối cảnh dự án khu du lịch Suối Voi

Ông Trần Sửu (59 tuổi, ngụ thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến) cho biết: “Tôi lên Suối Voi kinh doanh đã 20 năm, bao vui buồn ở đó. Giờ có doanh nghiệp về khai thác, chúng tôi đành nghỉ, kiếm việc khác làm. Hàng năm, riêng thu nhập của tôi nhờ quán này cũng không dưới 200 triệu, nhưng “họ” niêm yết giá hỗ trợ cho tôi cũng chỉ được vậy; quá ít ỏi so với công sức của tôi bỏ ra từ trước đến nay. Điều đáng nói ở đây, diện tích mặt bằng thực tế của tôi là 100m2 nhưng “họ” đo đạc chỉ 70m2, tài sản thống kê cũng thiếu, nhiều mập mờ. Không chỉ mình tôi mà toàn bộ những hộ khác cũng bị thống kê thiếu. Vì thế chúng tôi mới phản đối dự án; mong các ban ngành thống kê lại để chúng tôi có tiền tương xứng hơn”.

Cùng cảm xúc, bà Đỗ Thị Gái (40 tuổi, ngụ thôn Thủy Dương) nói trong nước mắt: “Tôi lên Suối Voi kinh doanh, buôn bán từ năm 1998, là cách duy nhất kiếm tiền nuôi cả 5 đứa con đều tuổi ăn học cùng với bố mẹ già. Giờ không được bán buôn nữa, tôi không biết lấy gì để sinh sống đây. Họ đền bù rẻ mạt quá, vì vậy, từ ngày 18/2 đến nay chúng tôi đứng ở cổng Suối Voi 24/24 để phản đối không cho đơn vị đầu tư vào cấm biển báo”.

Người dân phản ánh tiếp, khi công tác đền bù, giải quyết công ăn việc làm cho người dân chưa được đáp ứng thì UBND xã Lộc Tiến bị cho đã cử cán bộ lên ngăn cản không cho người dân buôn bán khiến các hộ càng bức xúc thêm. Một hộ kinh doanh lâu năm nói: “Dân làng chúng tôi làm ăn ổn định tại con suối này đã hàng chục năm, nay doanh nghiệp muốn vào đầu tư thì phải thoả thuận mức giá đền bù thoả đáng chúng tôi mới chấp nhận chứ không thể lấy đi miếng cơm manh áo hằng ngày của bà con chúng tôi. Chính quyền không thể đứng về phía doanh nghiệp mà dễ dàng đẩy chúng tôi vào cảnh thất nghiệp”.

Ngoài việc đền bù không thỏa đáng, các hộ dân còn cho biết, ba năm trở lại đây, người dân chỉ trồng lúa được vụ đông xuân còn vụ hè thu thì bỏ hoang vì thiếu nước tưới tiêu. Lý do bởi đập chứa nước ở đây bị hỏng, nhưng không thể sửa chữa vì có quy hoạch xây dựng Khu du lịch Suối Voi…

Trước sự việc nêu trên, các cơ quan chức năng xã Lộc Tiến, chính quyền huyện Phú Lộc cũng như chủ đầu tư dự án nói gì?

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Lê Tám Bảy (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.