15/09/2019 7:04 PM
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xem xét sửa đổi, bổ sung thêm những nội dung quan trọng liên quan đến 8 nhóm chính sách lớn của Luật Đất đai 2013. Theo đánh giá, nếu sớm được đưa vào thực hiện sẽ giúp cho thị trường bất động sản có thêm cơ hội phát triển theo quy luật của thị trường.

Theo đó, 8 nhóm chính sách lớn gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kinh tế, tài chính đất đai và phát huy nguồn lực đất đai; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất; về chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về việc quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, officetel,…); rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các Luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Lâm nghiệp…

Đổi mới Luật đất đai sẽ giúp cho thị trường BĐS phát triển. (Ảnh minh họa).

Theo đánh giá, trong khoảng 5 năm trở lại đây, với quá trình đô thị hóa phát triển một cách mạnh mẽ cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung của các địa phương, nên Luật đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, hệ thống các văn bản pháp luật khác có liên quan tồn tại nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ và thống nhất. Hệ quả dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thơm - Hội Luật gia Việt Nam, chính những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính đã dẫn tới những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên này. Từ đó dẫn đến việc chưa khai thác hết được tiềm năng của đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời trong quá trình sử dụng đất phát sinh nhiều sai phạm, khiếu nại, kiện tụng, cơ quan quản lý buôn lỏng, cá nhân - tổ chức không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định…

Nhà nước đang vận hành quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường, vì vậy những vấn đề về đất đai, BĐS cũng cần phải có chính sách phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường. Việc đổi mới chính sách liên quan đến Luật đất đai lúc này là cần thiết, sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường BĐS có dấu hiệu “chững” lại, mà nguyên nhân chính liên quan đến những khuôn khổ pháp lý. Theo đó, hàng loạt các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư có dấu hiệu vi phạm đều bị thanh tra toàn diện. Vì vậy, rất nhiều dự án đang triển khai cũng phải dừng lại để phục công tác thanh tra.

Bên cạnh đó, với việc chính sách tín dụng tài chính bị siết chặt cũng khiến cho các doanh nghiệp hạn chế được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Quê - Tổng Giám đốc G6 Land cho biết, với vấn đề tài chính thì doanh nghiệp có thể tự xoay trở bằng nhiều hình thức huy động vốn khác để triển khai, nhưng những vướng mắc liên quan đến pháp lý thì chỉ có buộc phải dừng thi công.

“Rõ ràng, minh bạch về những vấn đề liên quan đến pháp chế là vấn đề cần sớm được hoàn thành để thị trường sớm đi vào ổn định. Doanh nghiệp đều hoan nghênh và ủng hộ chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển theo cơ chế thị trường” - ông Quê nói.

Mai Vân (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.