03/01/2013 3:27 PM
Cuối tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hà Nội cùng đại diện các bộ ngành có liên quan để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu.
Nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ những tín hiệu tích cực từ thị trường. Ảnh: Huy Hùng.
Nhiều giải pháp đã được đề xuất trong đó có việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người mua nhà ở mức 7-8%/năm. Đồng thời, ngân hàng Nhà nước sẽ tung khoảng 20-40 ngàn tỷ đồng để cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi trong vòng 10 năm. Xung quanh những đề xuất này, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã có những nhận định nhiều chiều từ thực tế kinh doanh của mình.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Group Cường Phát, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết: Đây là lần đầu tiên, thị trường bất động sản nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan như hiện nay. Bao nhiêu hội nghị, tọa đàm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ cho bất động sản đã được tổ chức nhưng nút thắt cho thị trường là vốn thì vẫn chưa gỡ được. Hàng loạt các giải pháp rất quyết liệt đã đề cập đến nhằm lấy lại lòng tin và vực dậy các doanh nghiệp bất động sản đang trên đà khó khăn.

Các giải pháp được đưa ra tại các buổi làm việc được các doanh nghiệp bất động sản trông đợi. Mong rằng với chỉ đạo sát sao của Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng nhập cuộc, lãi suất cho vay hạ, một lượng hàng tồn kho sẽ được giải phóng, người dân có nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhóm đối tượng không có khả năng mua nhà theo giá thị trường sẽ có cơ hội có nhà. Đặc biệt, việc cho chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại vốn đang bế tắc sang xây dựng nhà ở xã hội là một động thái có tác dụng tích cực cho thị trường bất động sản vốn đang rất trầm lắng như hiện nay.

Còn ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sàn bất động sản DTJ cho rằng: Muốn phá băng thị trường nên mở rộng đối tượng cho vay, không chỉ cho vay mua nhà ở xã hội mà cả nhà thương mại, có vậy mới kéo được thị trường ấm lên. Theo tôi việc các giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp sẽ không đem lại hiệu quả cao.

Bởi tuy các chính sách ưu đãi đang được đề xuất hiện nay hướng mạnh vào các đối tượng người thu nhập thấp, các đối tượng này khi vay mua nhà sẽ được hỗ trợ lãi suất thấp, song thực tế số người thu nhập thấp có thể vay mua nhà rất ít. Nguyên nhân là do họ không thể xoay đâu ra số tiền từ 5-10 triệu đồng/tháng để trả lãi ngân hàng hàng tháng.

Theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành: Nhằm giải quyết tức thời những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản thì những giải pháp như loại bỏ những doanh nghiệp có năng lực yếu kém để thanh lọc thị trường, các doanh nghiệp bất động sản muốn tồn tại và vượt qua khủng hoảng thì cần phải chấp nhận thay đổi để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, sắp xếp tổ chức lại hệ thống, chủ động bố trí lại nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí...

Nhưng bên cạnh đó, cũng cần có những giải pháp dài hơi như cho chuyển đổi chủ đầu tư cho các dự án, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi công năng các dự án dở dang hiện nay thành bệnh viện, trường học, văn phòng... để tháo gỡ vấn đề hàng tồn… đều là những công cụ điều tiết thị trường bất động sản.

Ông Trần Hiếu Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần nhà đất Phát Lộc lại cho rằng: Động thái hạ lãi suất chỉ tác động đến những người đang có tiền gửi tiết kiệm để chờ mua nhà. Còn nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn tỏ ra rất thận trọng bởi mức lãi suất cho vay vẫn còn quá cao. Hơn nữa, thủ tục xin vay vốn khá phức tạp khiến người mua khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Ngoài ra, hiện nay đã có rất nhiều dự án bất động sản ký kết các gói tín dụng với các ngân hàng thương mại với lãi suất vay ưu đãi mức dưới 10%/năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Bởi lẽ, thời hạn ngân hàng hỗ trợ cho khách hàng vay đa phần chỉ trong vòng 6 tháng đầu tiên. Như vậy, những tháng tiếp nếu có biến động về lãi suất thì chắc chắn các ngân hàng sẽ tiếp tục phải điều chỉnh.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động thì chẳng ai có thể đảm bảo được lãi suất sẽ không bị thay đổi. Vì vậy, không chỉ người dân mà ngay cả nhà đầu tư vẫn đang trong động thái chờ thời, trông chờ vào các tín hiệu phục hồi thị trường sau đó mới tính đến việc vay tiền ngân hàng để đầu tư bất động sản. Lúc này, chỉ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, không phụ thuộc vốn vay ngân hàng thì khi lãi suất giảm, người ta sẽ tìm dự án để mua vào.

  • Căn hộ giảm giá đón năm mới

    Căn hộ giảm giá đón năm mới

    Không thể chờ đợi gói hỗ trợ bất động sản, nhiều chủ đầu tư buộc lòng giảm giá căn hộ để đẩy bớt lượng hàng tồn kho. <br/br>

  • Sợi dây siết cổ doanh nghiệp BĐS

    Sợi dây siết cổ doanh nghiệp BĐS

    “Lãi vay ngân hàng chính là sợi dây đang siết cổ các DN BĐS. Hàng tồn kho quá lớn gây nợ xấu là bởi giá cao không tiếp cận được người mua”. <br/br>

  • BĐS 2013: Nhà giá thấp lên ngôi

    BĐS 2013: Nhà giá thấp lên ngôi

    Giới chuyên gia và lãnh đạo các DN BĐS lớn đều chia sẻ nhận định, năm 2013, nhà giá thấp đáp ứng nhu cầu ở thực mới có tính thanh khoản tốt. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến.

Theo Xuân Thảo (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.