12/12/2014 9:00 PM
Còn hơn 2 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Ất Mùi, dạo quanh các cửa hàng bán đồ gỗ nội thất ở Hà Nội tại các khu vực Đê La Thành, Đền Lừ, Nguyễn Trãi…, theo ghi nhận của phóng viên, người mua đông hơn thường lệ nhưng tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” vẫn diễn ra và người mua rất có thể sẽ bị “lừa”…

Bộ bàn ăn được làm từ gỗ xoan đào tự nhiên này có giá 5,5 triệu đồng.

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Trong vai người đi mua nội thất, phóng viên Báo Xây dựng được giới thiệu nhiều loại sản phẩm nội thất từ giường tủ, kệ, bàn phấn, tủ bát… màu sắc đa dạng được làm từ gỗ công nghiệp hay gỗ tự nhiên với cái tên rất Việt như xoan đào, tần bì, xoan ta, dổi, thông, keo, bạch tùng, muồng muồng… đến những sản phẩm được giới thiệu làm từ gỗ nhập khẩu nước ngoài như sồi Nga, sồi Mỹ, dáng hương mắt chim, chiêu liêu, óc chó… Giá cả phong phú từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng, tùy loại gỗ, kiểu dáng và sản phẩm.

Nhưng điều đáng nói cùng loại sản phẩm, giá cả cũng khác nhau và mỗi cửa hàng ra giá một kiểu. Cùng là giường 1,8 x 2 mét, dát phản, làm từ gỗ sồi Nga hoặc xoan đào, có cửa hàng bán giá 4 triệu, có nơi lên đến 6 triệu đồng/chiếc. Thắc mắc tại sao có sự chênh giá cao như vậy, bà chủ cơ sở gỗ nội thất Xuân Phú cho biết: thực tế khung giường làm bằng sồi hoặc xoan đào nhưng dát giường có thể làm bằng gỗ tạp nên rẻ hơn, thậm chí có cửa hàng họ nói giường gỗ sồi nhưng họ lại đóng từ gỗ tần bì, người mua không tinh có thể bị nhầm.

Đáp ứng thị hiếu và vừa túi tiền “thượng đế”, các cửa hàng cho ra nhiều loại sản phẩm đa dạng về giá, giường đôi có giá từ 1,2 triệu đồng đến 15 triệu đồng, tủ quần áo được làm bằng gỗ công nghiệp có giá từ 1-3 triệu, gỗ tự nhiên từ 3 đến trên 10 triệu đồng, kệ ti vi từ 600 nghìn đồng đến vài triệu đồng. Người mua luôn “rối như tơ vò” bởi vào cửa hàng nào, người bán cũng giới thiệu đồ gỗ của họ được làm từ xoan đào Hoàng Anh Gia Lai, gỗ sồi Nga, sồi Mỹ, gỗ nhập xịn 100%; được xử lý chống mối mọt, ẩm mốc rất tốt, nhưng sự thật chất lượng sản phẩm có được như quảng cáo thì chỉ thời gian mới có thể kiểm chứng chuẩn xác.

Bà Hoàng Mai Linh, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Hai vợ chồng tôi đi chọn mà hoa cả mắt. Nhiều kiểu dáng mẫu mã và cũng nhiều giá, không phân biệt được đâu là gỗ thật, gỗ giả nữa. Thôi thì thấy chủ cửa hàng nào “có vẻ” chất phác, thật thà và bán giá vừa phải thì mua. Những sản phẩm này không thể hỏng một sớm một chiều.

Chủ một cửa hàng gỗ nội thất ở Đền Lừ chia sẻ: Thực tế chất lượng gỗ tốt đến đâu thì chỉ thợ gỗ và người bán chúng tôi mới biết, người mua tinh và hiểu biết về gỗ thì phân biệt được. Nhiều người sính ngoại thích dùng sồi Nga, sồi Mỹ nhưng dòng gỗ này nhanh “xuống màu”, xoan đào bền màu hơn.

Phân biệt gỗ thật - giả thế nào?

Để không mua phải “thịt chó” khi nhiều cửa hàng bán đồ gỗ nội thất “treo đầu dê”, chị Nguyễn Ngọc Diệp, Trương Định, Hoàng Mai cho biết: Tôi chọn giải pháp mua sắm trong những siêu thị nội thất thương hiệu... Ở đó, tôi được bảo hành, cam kết về chất lượng và đỡ lo bị mua phải “hàng giả”.

Không nhiều tiền để lựa chọn như chị Diệp, anh Nguyễn Thái Hoàng (Trung Kính, Cầu Giấy) cho biết: Tôi lên mạng tìm hiểu trước khi mua, sau đó đến tận nơi xem, thỏa thuận rồi mới đặt hàng.

Theo các chuyên gia trong ngành nội thất, để mua được hàng “chuẩn”, người mua nên chọn loại gỗ tốt dựa vào thịt gỗ phải chắc, nhìn qua lớp sơn ngoài màu sắc vân gỗ rõ nét, thống nhất, bề mặt phẳng. Nên quan sát tỉ mỉ kết cấu khung, chỉ chọn sản phẩm có kết cấu tốt. Khi chọn mua đồ gỗ nội thất nhỏ, có thể kéo trên nền xi măng mà vẫn nhẹ nhàng, âm thanh trong và giòn, chứng tỏ chất lượng tốt, nếu không phát ra tiếng, hay có tiếng tạp âm đục không đều, chứng tỏ kết cấu không chắc chắn. Nên chọn loại nội thất có chứa nước không vượt quá 12%, nếu không có máy đo, có thể dùng tay sờ những nơi không sơn, nếu thấy ẩm thì tỷ lệ chứa nước cao, hoặc vẩy một chút nước lên chỗ không sơn, nếu thấm chậm hoặc không thấm chứng tỏ tỷ lệ chứa nước cao. Gỗ bị mục hay bị mọt thì tương đối mềm, người mua có thể dùng ngón tay cạy lên, nếu thấy cục rơi xuống thì chứng tỏ gỗ nội thất đã bị biến chất mục hoặc mọt.

Một lưu ý nữa là sản phẩm phải có hàm lượng Formaldehvde trong ngưỡng cho phép, không gây hại đến sức khỏe người sử dụng. Nếu mở tủ, rút ngăn kéo ra có mùi hắc làm chảy nước mắt, chứng tỏ hàm lượng Formaldehvde vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì không nên dùng.

Nên sử dụng gỗ sồi trắng hay sồi đỏ?

Gỗ sồi được nhập từ Mỹ và châu Âu, các sản phẩm nội thất được làm bằng gỗ sồi luôn tạo cảm giác ngôi nhà hài hòa với ánh sáng tự nhiên, trẻ trung, ấm cúng và hiện đại.

Về độ cứng, gỗ sồi trắng và gỗ sồi đỏ tương đương nhau nhưng sồi trắng có độ chống thấm tốt hơn, đường vân gỗ đa dạng và đẹp hơn, đồng thời đây cũng là loại gỗ cứng và nặng, chịu lực nén tốt, tâm gỗ có khả năng kháng sâu, đặc biệt không thấm chất bảo quản. Sồi trắng chống được sự mục nát, sự thối rữa tương đối tốt. Nhờ cấu trúc tế bào dạng chai, gắn kết rất chặt với nhau, không cho nước thấm qua nên sồi trắng thường được sử dụng làm thùng đựng rượu và nội thất ngoài trời.

Vũ Huyền (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.