Chờ vận may trúng nhà?
Trong thời buổi khó khăn, nhiều doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng bằng các chiêu đánh thẳng vào tâm lý khách hàng để mong thu được hiệu quả. Một trong những cách được các nhà buôn sử dụng nhiều nhất là khuyến mãi, giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng …
Dạo qua một số chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau, giải thưởng được xem là hoành tráng và thức thời nhất hiện nay là cơ hội sở hữu căn hộ trị giá hàng tỷ đồng. Có lẽ chẳng khách hàng nào lại bỏ qua điều này.
Đầu tháng 11/2012, một doanh nghiệp bán lẻ trong lĩnh vực điện máy và nội thất tại Việt Nam tung ra chương trình kỷ niệm 11 năm thành lập. Ngoài những giải thưởng là vật gia dụng, điện máy, doanh nghiệp này còn cổ vũ người mua bằng chương trình rút thăm trúng thưởng với cơ hội sở hữu căn hộ trị giá 1,1 tỉ đồng.
Trước đó, một nhà sản xuất mì ăn liền cũng áp dụng chương trình ăn mì tôm trúng nhà trị giá 500 triệu đồng. Các ngân hàng cũng sử dụng chiêu này một cách phổ biến là gửi tiền trúng vàng, trúng nhà được áp dụng liên tục, hầu như ngân hàng này vừa kết thúc chương trình thì ngân hàng khác đã tiếp nối. Thậm chí có ngân hàng còn hứa hẹn sẽ tiếp tục triển khai vào dịp cuối năm tới.
Việc khó cưỡng lại các thông tin hấp dẫn mà nhất là trúng nhà tại thành phố lớn như Thành phố HCM cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt trong lúc giá nhà, giá đất vẫn còn cao ngất như hiện nay không phải ai cũng có tiền mua nỗi. Do vậy, chiêu khuyến mãi này của doanh nghiệp đã bước đầu thành công trong việc “câu” khác hàng.
Tất nhiên, không phải người ta chỉ trông chờ vào mỗi việc hên-xui nhưng quả thật nhiều người lao động thừa nhận đồng lương của họ dù 10 hay 20 năm nữa vẫn chưa thể mua được nhà thành phố dù là ở ngoại thành. Nhà đất được cho là đã hạ, hàng tồn kho cần được giải quyết gấp nhưng xem ra nhiều người dân vẫn còn trông chờ vào vận may.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Giảm giá sẽ là tất yếu
Các thông tin giảm giá, phá giá, phá băng bất động sản được công bố rộng rãi. Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố phá giá 30-40% giá bán căn hộ của họ so với các dự án cùng khu vực ở Quận 7. Dù vậy căn hộ vẫn có giá từ 18 triệu đồng/m2 trở lên sau “phá giá”, mức giá này vẫn còn quá cao so với thu nhập của dân văn phòng hay công chức.
Gần đây nhất, Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu thông báo chào bán dự án chung cư Đại Thanh (Hà Nội) khẳng định, bán với giá 10 triệu đồng/m2 họ vẫn "có lãi". Những tưởng đây mới là phát súng hạ giá để căn hộ thật sự đến tay người dân. Nhưng đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Những chủ đầu tư khác thì không tin căn hộ bán được với giá đó mà chỉ có cách cắt xắn bớt nguyên vật liệu.
Từ một động thái tích cực cho thị trường bất động sản đã trở thành sự hoài nghi. Nhưng có một điều lạ là bất chấp sự hoài nghi đó, người dân vẫn cảm thấy hài lòng và không giấu được hy vọng mức giá nhà đất tương lai sẽ về mức hợp lý để việc mua đất, cất nhà không còn quá sức nữa.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ trên báo chí rằng: “Nếu doanh nghiệp biết tiết giảm chi phí, áp dụng công nghệ tiên tiến thì chúng ta có thể tạo ra được nhà với giá 10 triệu/m2 chứ không phải là không thể làm được”.
Cuối tháng 10/2012, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi họp báo Chính phủ cho rằng phải làm sao để người thu nhập thấp có thể mua được nhà vì giá bất động sản hiện nay vẫn còn cao quá. Theo Bộ trưởng, việc hạ giá bất động sản, làm nhà giá rẻ để bán cho người dân là một chủ trương nhất quán của Chính phủ.
Mơ ước được sở hữu căn hộ mà không phải theo kiểu trúng độc đắc như các chương trình khuyến mãi, hoặc thậm chí đi thuê với giá cả hợp lý khi thị trường bất động sản về đúng giá trị thật là điều mà nhiều người mong muốn. Dĩ nhiên họ cũng không mong vì muốn bán được nhà mà các chủ đầu tư lại biến chất lượng nhà ở thấp theo kiểu “tiền nào của nấy”.
Giá bất động sản đã bị đẩy lên quá cao trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp trong ngành cũng nhiều năm báo lãi khủng từ kinh doanh bất động sản. Thị trường đóng băng như hiện nay là sự trả giá cho thời gian phát triển theo kiểu ăn xổi, thổi phồng bong bóng bất động sản.
Có ý kiến cho rằng, có lẽ không nên tranh luận về việc nên bán giá nào mà hãy để mỗi doanh nghiệp tự quyết định. Để giải phóng được lượng hàng tồn kho hàng ngàn tỷ đồng thì chính các chủ đầu tư, doanh nghiệp cần phải tính thiệt hơn để chọn phương án bán rẻ hoặc vẫn ôm hàng để chờ bán giá cao và chết trên đống nợ.
-
Nên mua nhà đất ngoại ô hay đợi căn hộ giảm giá?
CafeLand –Thời gian gần đây, làn sóng giảm giá căn hộ diễn ra khá mạnh và cũng không ít người khuyên rằng nên mua nhà vì nó đã chạm đáy. Tuy nhiên, đối với người mua nhà có nhu cầu thực và có số tiền eo hẹp thì vẫn đang băn khoăn không biết mua nhà ngoại ô lúc này hay đợi chung cư trong nội thành giảm xuống mức giá hợp lý.
-
Cuộc đua giảm giá bất động sản sẽ ngày càng quyết liệt
CafeLand - Ngày càng xuất hiện nhiều thông tin giảm giá bất động sản từ phân khúc cao cấp cho đến thấp cấp. Động thái này có thể tạo nên một làn sóng vì việc hạ giá của chủ đầu tư sẽ dễ gây ra áp lực với các chủ đầu tư khác. Trong khi đó, hiện nay giá nhà vẫn quá cao và người dân vẫn đang chờ đợi giá nhà đất giảm thêm nữa. Nhiều khả năng “cuộc đua” giảm giá bất động sản sẽ ngày càng quyết liệt.