Ngày 30/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày phê duyệt Đề án "Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019". Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 nhằm đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong giai đoạn năm 2015 – 2019.
Công tác kiểm kê đất đai tại một số địa phương còn chậm
Kết quả kiểm tra đất đai làm cơ sở đánh giá được sự biến động đất đai so với chu kỳ 5 năm, 10 năm trước và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2021 - 2030 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; biên soạn chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 0101 - Diện tích đất và cơ cấu đất.
Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 được thực hiện trên phạm vi cả nước, ở 4 cấp hành chính từ trung ương tới cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Thời gian thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 đến hết ngày 31/12/2020.
Tuy nhiên, thực tế công tác kiểm kê đất đai tại nhiều địa phương vẫn còn chậm trễ. Đáng chú ý, trên hệ thống phần mềm tính đến ngày 11/8/2020 mới có 33 tỉnh, thành phố đã đưa toàn bộ dữ liệu kiểm kê cấp xã lên hệ thống.
Tính đến ngày 22/12/2020 vẫn còn 11 tỉnh, thành chưa phê duyệt kết quả và Báo cáo chính thức kết quả thực hiện kiểm kê đất đai để gửi về Bộ TN&MT.
Theo đó, tháng 2/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (hiện là Nguyên Phó Thủ tướng) đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đề án kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, công bố số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 trước quý II/2021.
Chậm kiểm kê đất đai có thể kéo theo chậm tiến độ xây dựng kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm cũng như quy hoạch sử dụng đất.
Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý Đất đai, nguyên nhân là do các địa phương chậm phê duyệt dự toán kinh phí; nhiều địa phương có khó khăn về kinh phí và chờ kinh phí hỗ trợ từ trung ương nên chưa phê duyệt dự toán, dẫn tới việc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện chậm trễ; việc bố trí kinh phí nâng cấp phần mềm kiểm kê còn thiếu, còn chậm.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương có thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện do thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021 nên ảnh hưởng tới tiến độ công tác này.
Theo chuyên gia chính sách đất đai PGS-TS Trần Thị Minh Châu - Học viện Chính trị Quốc gia, việc kiểm tra đất đai là cơ sở thông tin để thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và chiến lược 10 năm. Do đó, việc chậm kiểm tra đất đai sẽ kéo theo chậm tiến độ xây dựng kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm cũng như quy hoạch sử dụng đất. Việc này còn liên quan đến các dự án, có thể kế hoạch sắp tới phải có điều chỉnh.
“Ngoài ra, công tác kiểm kê nhanh thì có được số liệu chính xác để phân định cho các Khu công nghiệp mới đón làn sóng đầu tư mới từ Trung Quốc về. Nếu công tác rà soát không được kỹ càng, số liệu không được cập nhất mới sẽ dẫn đến những bất hợp lý, cản trở việc đón làn sóng mới từ các nhà đầu tư nước ngoài” - PGS-TS Trần Thị Minh Châu cảnh báo.
-
Giá đất tái định cư quận Hòa Vang, Đà Nẵng là bao nhiêu?
Cafeland – Giá đất tại định cư một số khu vực tại quận Hòa Vang, TP. Đà Nẵng là gần 4 triệu đồng /m2.