Khu đất vàng số 82 Trần Phú bỏ hoang sau khi giao cho Tập đoàn Hoàn Cầu. Ảnh: Nhiệt Băng
Ngoài ra, hàng loạt dự án bất động sản khác thuộc loại “vàng” được tỉnh Khánh Hòa cũng được giao cho Hoàn Cầu khiến dư luận không khỏi hoài nghi.
Lòng vòng chuyển nhượng
Đó là khu đất đi theo ngôi nhà số 82 Trần Phú nhìn ra biển, được xem là vị trí đắc địa có nhiều lợi thế về kinh doanh ở trung tâm Nha Trang. Đây là bất động sản do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa quản lý, sử dụng từ năm 1986.
Sau đó, đơn vị này đã hoán đổi cho Cty Cung ứng tàu biển Nha Trang (Cty CUTBNT) để lấy 900 triệu đồng, xây dựng nhà truyền thống và sửa chữa doanh trại.
Cty CUTBNT sử dụng pháp nhân là doanh nghiệp (DN) nhà nước mua hộ nhà 82 Trần Phú cho Cty Hoàn Cầu liên kết dưới hình thức liên doanh, liên kết...
Năm 2005, Kết luận của Thanh tra Chính phủ thanh tra về hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty TNHH Hoàn Cầu TPHCM và Cty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang cho biết: “Việc UBND tỉnh Khánh Hòa giải quyết bán toàn bộ tài sản trên đất cho Công ty Hoàn Cầu và cho thuê dài hạn để lập dự án đầu tư cao ốc văn phòng là biện pháp tình thế.
Cho đến nay, Cty Hoàn Cầu vẫn giữ nguyên hiện trạng, dự án chưa được triển khai”.
Bốn năm sau, Cty Sao Sáng Nha Trang (thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu) và Tập đoàn Mariott International đã ký thoả thuận hợp tác quản lý khách sạn Mariott để xây dựng khách sạn tại số 82 Trần Phú (Nha Trang) có diện tích hơn 3.600m2. Khách sạn này dự kiến đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Thế nhưng, suốt nhiều năm trôi qua, khu đất số 82 Trần Phú vẫn là bãi đất trống hoang, quây tôn. Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông Trần Minh Hải - Phó GĐ Sở KHĐT tỉnh Khánh Hòa - về để trao đổi về “số phận” khu đất này nhưng câu trả lời nhận được là lời hứa hẹn.
Ông Hải chỉ nhắn qua loa mấy chữ qua điện thoại cho xong chuyện: “Khu đất 82 Trần Phú chưa có dự án”.
Hoàn Cầu đã được “ưu ái” như thế nào?
Tại Khánh Hòa, nhiều khu đất “vàng” hoặc tiềm năng vào tay Tập đoàn Hoàn Cầu là chuyện không lạ. Nhiều dự án này sau khi được giao đất chậm tiến độ, bỏ hoang... Trong thời gian ngắn, từ năm 2001-2004, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao cho Công ty Hoàn Cầu Nha Trang một khối lượng dự án lớn.
Trong đó có 3 dự án đầu tư: Khu công nghiệp Ninh Thủy, Khu dân cư Ninh Long, Khu dân cư Ninh Thủy (Ninh Hòa) với tổng diện tích hơn 684ha, tổng mức đầu tư 891,3 tỉ đồng. Có dự án khiếu kiện đất đai kéo dài hàng chục năm như dự án Khu du lịch giải trí Sông Lô (xã Phước Đồng, Nha Trang).
Năm 2001, khu đất “vàng” số 20 Trần Phú cũng được tỉnh Khánh Hòa giao cho Hoàn Cầu thực hiện Dự án Trung tâm thương mại khách sạn. Khu đất này được giảm 30% tiền thuê đất với lý do nộp một lần. Sau đó, năm 2004, Cục Thuế nhận ra “lỗi lầm”, đã thu hồi tiền thuê đất do miễn giảm sai tỉ lệ với số tiền hơn 500 triệu đồng.
Những ưu ái kỳ lạ mà UBND tỉnh Khánh Hòa dành cho Hoàn Cầu bao nhiêu năm qua không có câu trả lời, mặc cho dư luận hoài nghi.
Mới đây, tại cuộc họp với các đơn vị có liên quan về thủ tục đầu tư, cho thuê đất với các dự án đã có trước khi thành lập Khu công nghiệp (KCN) Ninh Thủy, diễn ra chiều 21.6, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa - lại giao Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan kiểm tra, rà soát thủ tục, quy hoạch của Khu công nghiệp Ninh Thủy, báo cáo đề xuất UBND tỉnh cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Hoàn Cầu Vân Phong thuê đất của các dự án bị thu hồi để phát triển hạ tầng KCN trước ngày 15.7.
Tại Khánh Hòa có nhiều dự án được thực hiện theo hình thức BT, đổi “đất vàng” lấy hạ tầng, bỏ qua đấu thầu. Dự án BT Trường Chính trị Khánh Hòa đang bị Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu kiểm tra, báo cáo là ví dụ điển hình. Ngày 16.2.2016, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa - đã ký quyết định thu hồi 7.388,9m2 “đất vàng” Trường Chính trị Khánh Hòa (số 1 Trần Hưng Đạo) giao cho Cty Thanh Yến thực hiện dự án Khu phức hợp Thương mại - Dịch vụ - Y tế - Văn phòng - Khách sạn - Nhà ở chung cư Nha Trang Center 2 (dự án hoàn vốn khi thực hiện dự án Trường Chính trị tỉnh theo hình thức Hợp đồng BT). Điều kỳ lạ tại quyết định nói trên là tại sao đất Trường Chính trị quản lý lại có 2.948,9m2 đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp? Trong khi đó, giá đất ở lâu dài (hơn 2.500m2) chỉ tính hơn 22 triệu đồng/m2, còn lại đất sản xuất phi nông nghiệp chỉ tính hơn 7,8 triệu đồng/m2. |