Đất rừng bị "xẻ thịt”, những công trình không phép trên đất rừng không bị xử lý, việc thực hiện kết luận thanh tra bị làm ngơ, coi thường pháp luật... là những vụ việc đã diễn ra tại Sóc Sơn, Hà Nội nhiều năm nay.
Những công trình xây dựng trái phép trên đất rừng
404 ha rừng bị bán?
Lâm trường Sóc Sơn tiền thân là "Vườn ươm Lạc Long”, hình thành từ năm 1956 với tên gọi ban đầu là Lâm trường Kim Đa, trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1969, Lâm trường Kim Đa trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Ngày 30-11-1992, Bộ Lâm nghiệp có Quyết định số 2679/TCLD đồng ý thành lập Lâm trường Sóc Sơn, có trụ sở tại xã Minh Phú, Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Tiếp đến ngày 12-2-1993, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 665 QĐ/UB thành lập Lâm trường Sóc Sơn, nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn. Ngày 2-12-1994, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 3316/QĐ-UB về việc phân loại rừng trên diện tích đất lâm nghiệp. Theo đó, toàn bộ diện tích được phân loại là 6.630 ha, trong đó rừng đặc dụng là 1529,90 ha, rừng phòng hộ môi trường 5100,10 ha. Ngày 11-6-1998, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 2334/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn. Trong đó Lâm trường Sóc Sơn (nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn) được giao quản lý 2.435 ha, trong đó rừng phòng hộ là 1.341,7 ha, rừng đặc dụng là 1.093,3 ha.
Thế nhưng, thay vì quản lý, trồng, chăm sóc rừng thì Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn lại "xẻ thịt” đất rừng để bán. Theo phản ánh của ông Cao Mạnh Hải, và Lê Văn Hùng, đại diện cho những người nhận khoán rừng ở Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn, thì người trồng rừng vô cùng bức xúc và đau xót vì lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn là bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty đã xâm phạm nghiêm trọng đến diện tích rừng như: Lấp ao phòng chống cháy rừng để bán cho dự án, ngấm ngầm cho chuyển nhượng trái phép đất rừng làm nhà ở, tự ý xây nhà văn hóa, chùa chiền trái phép trên đất rừng, xây dựng hạ tầng vườn ươm cây để phân lô chặt hạ, san ủi hàng chục ha rừng thông, lập dự án nhà ở, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trường học quốc tế. Theo đại diện những người nhận khoán rừng ở Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn, thì số diện tích rừng bị bán thông qua danh nghĩa các dự án lên đến hơn 404 ha rừng?.
Tại kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội vừa công bố đã chỉ rõ, 7 trong 8 xã gồm Phù Linh, Nam Sơn, Quang Tiến, Minh Phú, Hiền Ninh, Tiên Dược, Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn do chưa chặt chẽ, thiếu sâu sát trong quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nên đã để cho các hộ gia đình, cá nhân nhận giao đất lâm nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang làm nhà tạm. Cán bộ địa chính và Thanh tra xây dựng xã buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở, kinh doanh ăn uống. Cá biệt, có những hộ xây dựng với diện tích lớn như phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh); Ngô Văn Cam, Đỗ Trọng Khánh, Đỗ Mỹ Dung, Trương Anh Quân và Đỗ Mỹ Linh (xã Minh Phú).
Hơn 200 công trình xây không phép trên đất rừng
Điều đáng nói, hiện nay ngoài công trình vi phạm của ông Nguyễn Thành Chương trên địa bàn xã Hiền Ninh chiếm khoảng 3.000-8.000m2 đất, và gia đình ca sĩ Mỹ Linh trên diện tích 12.691m2 đất tại xã Minh Phú thì tại Sóc Sơn còn tồn tại rất nhiều công trình sai phạm khác. Mặt khác, tại kết luận 754/TTCP ngày 17-4-2006 của Thanh tra Chính phủ về việc xây dựng công trình trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn đã phát hiện, có 659 hộ xây dựng công trình trên đất rừng với diện tích 11,22ha. Đến thời điểm hiện tại theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, thì ở Sóc Sơn hiện có hơn 200 công trình khác cũng xây không có phép trên đất rừng.
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, hiện tại xã Quang Tiến có hai "đại gia” xây dựng công trình không phép trên đất rừng là hộ ông Phạm Tiến Thành và hộ ông Ngô Thanh Sang. Theo đó, ngày 20-10-1990, ông Sang được Lâm trường Sóc Sơn (cũ) có Quyết định giao 83,5ha, trong đó đất rừng là 76,9ha, đất trống để trồng rừng 7ha nhưng ông Sang đã thay đổi công năng phần diện tích này thành công trình nhà ở 114m2, nhà 3 tầng bê-tông cốt thép kiên cố; ngoài ra còn có các công trình phụ gồm nhà hàng kinh doanh ăn uống, bếp, khu chăn nuôi khoảng 300m2. Tương tự, ông Thành xây liền 7 công trình nhà chòi, mỗi chòi rộng 8 -12m2, 1 công trình nhà sàn gỗ khoảng 60m2 và 3 nhà tre diện tích khoảng 40m2/nhà, đổ bê tông từ đường vào đến nhà sàn, diện tích còn lại trồng cây ăn quả. Còn ở xã Tiên Dược, toàn bộ diện tích 13.000m2 được Lâm trường Sóc Sơn (cũ) giao cho ông Nguyễn Văn Bằng chăm sóc, quản lý và bảo vệ nhưng gia đình ông này đã tự ý xây dựng hàng rào lưới thép B40, cổng vào khu đất xây kiên cố rộng khoảng 4m, cao 3m. Trong khuôn viên đất có công trình nhà khoảng 70m2, kèo sắt, tường gạch, 1 công trình nhà tạm diện tích 20m2. Điều đáng nói là diện tích này ông Bằng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
7 năm chưa xử lý ai
Xin được nói thêm rằng, liên quan đến việc mua bán đất rừng trái phép diễn ra tại 9 xã có rừng và Lâm trường Sóc Sơn, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu, UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm trách nhiệm của UBND các xã có rừng và lãnh đạo lâm trường để xảy ra tình trạng trên và thu hồi toàn bộ diện tích cấp đất ở không đúng, trong đó có 47 hộ nhận khoán vườn quả của Lâm trường Sóc Sơn. Đồng thời, bản kết luận cũng yêu cầu dừng ngay việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thuộc rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đã được quy hoạch; huy động chính quyền cơ sở ngăn chặn ngay những trường hợp xây dựng trái phép đang tái diễn. Tuy nhiên, UBND huyện Sóc Sơn chưa tích cực chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã và Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm các đối tượng xây dựng nhà trái phép trên diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cũng khẳng định rằng, để xảy ra các vi phạm như trên, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND, cán bộ địa chính, Thanh tra xây dựng xã và các phòng ban chuyên môn huyện Sóc Sơn, Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn. Ngoài ra, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm tại diện tích rừng do mình quản lý. Dư luận đang đặt ra những hoài nghi về sự bao che của các cấp chính quyền đối với sai phạm cũng như sự buông lỏng của các cơ quan thanh tra khi không giám sát theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra, khiến kết luận vẫn trong…ngăn kéo. Hậu quả là rừng tiếp tục bị xẻ thịt, còn chưa có cá nhân nào bị xử lý, ít nhất cũng là nhận trách nhiệm.
H.Vũ (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.