04/09/2019 12:57 PM
Biết đất đang có tranh chấp nhưng UBND Quận 1 (TP.Hồ Chí Minh) vẫn “làm ngơ”, cố tình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Chính việc làm bất nhất, trái với các quy định của pháp luật khiến cho tranh chấp không những không được giải quyết mà còn bị làm phức tạp, kéo dài thêm.

Khuất tất trong việc cấp giấy

Ngày 23/1/2013, UBND Quận 1 ban hành văn bản số 222/UBND –TNMT nêu: “UBND Quận 1 nhận được hồ sơ đề nghị cấp GCNQSĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại 3 căn nhà mang số 152B, 152C, 152D Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1 của bà Phạm Thị Phi Phụng đứng đơn đại diện các thừa kế.

Bản khai nhận di sản và thỏa thuận phân chia di sản có sự mâu thuẫn với nhau

Trên cơ sở báo cáo của Phòng TN&MT, UBND quận 1 nhận thấy hiện nay những người thừa kế đề nghị cấp giấy chứng nhận không trực tiếp sử dụng nhà, những người thuê nhà đang sử dụng và có đơn cho rằng đã mua 3 căn nhà 152B, 152C và 152D Trần Quang Khải, đồng thời đề nghị ngăn chặn việc cấp giấy chứng nhận của các thừa kế đối với 3 căn nhà nêu trên... UBND quận 1 kính chuyển hồ sơ liên quan đến 3 căn nhà trên đến TAND quận 1 để xem xét và có ý kiến”.

Không chỉ có văn bản số 222 nói trên, trong Thông báo số 726/TB-VP của UBND quận 1 ngày 5/10/2012 về kết luận tiếp dân cũng đã hướng dẫn người thừa kế khởi kiện ra Tòa án.

Như vậy, có thể thấy rằng, UBND quận 1 biết rõ và khẳng định 3 căn nhà nói trên đang có tranh chấp. Thế nhưng không biết vì lý do gì? Hay có một “lực ngầm” nào đó tác động, chỉ gần 100 ngày sau, ngày 2/5/2013, cũng chính UBND quận 1 lại cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 152D Trần Quang Khải cho bà Phụng, bất chấp việc tranh chấp chưa được giải quyết tại tòa án.

Cách làm việc “tiền hậu bất nhất”, không chỉ trái với quy định của pháp luật mà còn làm sai lệch bản chất, nội dung của vụ việc.

Tréo ngoe hơn khi tại Văn bản 1121/UBND-TNMT ngày 16/05/2014 và Văn bản 1025/UBND-TNMT ngày 8/5/2017 của UBND quận 1 trình bày về quá trình cấp giấy chứng nhận căn nhà 152D Trần Quang Khai còn nêu: “Theo thành phần hồ sơ lưu hiện có tại thời điểm giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận căn nhà 152D Trần Quang Khải không có tranh chấp, khiếu nại của ông Hoàng Minh Đạo (người đang sử dụng nhà – PV)”.

“Thời điểm giải quyết hồ sơ cấp giấy” ấy là thời điểm nào? Bởi lẽ chỉ trước khi cấp giấy mấy tháng (tháng 1/2013), chính UBND quận còn xác định “đang có tranh chấp”. Điều khập khiễng và thiếu thuyết phục nữa là, căn cứ để UBND quận 1 cho rằng không có tranh chấp là Tờ cam kết của ông Hoàng Minh Đạo được UBND phường Tân Định xác nhận vào ngày 25/10/1993 - cách thời điểm xét cấp giấy đến… 20 năm.

Một tờ giấy “xa lắc xa lơ” được đưa vào để “khớp” hồ sơ xét cấp giấy cho bà Phụng, trong khi toàn bộ những giấy tờ về nhà đất, về việc tranh chấp với ông Đạo thì đã bị “gạt sang một bên”. Chưa kể, bằng mắt thường cũng nhận thấy tờ giấy này có dấu hiệu giả mạo cả về hình thức lẫn nội dung.

Mặt khác, nội dung của tờ cam kết này cũng mâu thuẫn với thực tế xảy ra, mâu thuẫn với tất cả các giấy tờ khác có trong hồ sơ do ông Đạo viết, khai báo từ năm 1992 và mâu thuẫn với chính Phiếu chuyển 222 ngày 23/01/2013 của UBND quận 1.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận 1 không đưa đầy đủ giấy tờ, tài liệu quan trọng vào hồ sơ cấp giấy chứng nhận, trong đó có xác nhận của ông Phạm Hiệp Hòa (ngày 20/2/1992) về việc “đồng ý cho nhượng lại căn nhà 152D”; Xác nhận đã đăng ký nhà- đất của UBND phường Tân Định cho hộ ông Đạo vào ngày 29/9/1999; Giấy phép sửa chữa nhà (ngày 18/12/1996) của UBND quận 1 ghi rõ: “nhà mua bán giấy tay, chưa hợp thức hóa chủ quyền, chủ hộ có hộ khẩu thường trú”…

Trong khi đó, những nội dung trong các tờ trình của bà Phụng có dấu hiệu gian dối, không có đầy đủ giấy tờ ủy quyền, nhiều giấy ủy quyền đã hết thời hạn không còn giá trị pháp lý… thì các cơ quan chức năng quận 1 lại bỏ qua, không xác minh, làm rõ.

Càng phi lý hơn khi căn nhà 3 tầng đang tồn tại tại số 152D là do ông Đạo xây (được thể hiện qua Quyết định 1194 ngày 19/6/1997 của UBND quận 1) lại được ghi vào giấy chứng nhận là nhà của bà Phụng.

Những điều trên cho thấy, quá trình xét duyệt cấp giấy chứng nhận đã có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, không kiểm tra hồ sơ, xác minh tính trung thực của các giấy tờ, xác minh thực địa… Dư luận đặt ra câu hỏi: có hay không việc cơ quan chuyên môn và lãnh đạo quận 1 trong khi thi hành công vụ đã cố tình “làm phép”, mặc dù biết rõ “đang có tranh chấp” nhưng vẫn “làm ngơ” để cấp giấy chứng nhận cho bà Phụng.

Áp dụng sai điều luật

Một trong những căn cứ để UBND quận 1 lý giải cho việc cấp giấy chứng nhận cho bà Phụng là điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định 88/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, các tài liệu trích sao, trích lục sổ điền thổ đều thể hiện bất động sản tại bằng khoán điền thổ 166 Sài Gòn – Tân Định có chủ sở hữu nhà ở là bà Lý Thị Mai và bà Lý Thị Lựu, đứng bộ chung, chưa được phân chia.

Năm 1976, bà Lựu để lại di chúc cho 4 người cháu. Như vậy, di chúc mới chỉ hợp pháp ½ giá trị bất động sản, bà Lựu không hề có quyền định đoạt phần tài sản của bà Mai. Việc UBND quận 1 cấp giấy chứng nhận cả phần di sản của bà Mai là trái quy định của pháp luật.

Hơn nữa, tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận, bà Phụng không hề có giấy tờ về sở hữu nhà ở mang tên mình.

Dấu hiệu sai chồng thêm sai khi Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tiếp tục thực hiện việc cập nhật biến động vào giấy chứng nhận, sử dụng các giấy tờ được công chứng trái pháp luật do khai báo gian dối, mâu thuẫn nhau và không thực hiện đúng thủ tục công chứng.

Đơn cử như: Văn bản khai nhận di sản ngày 08/8/2013, bà Phụng khai báo bất nhất, mâu thuẫn khi ghi các ông Bảo, Hảo, An đều đã chết từ lâu, trước khi chết độc thân, không kết hôn, không có con với ai. Nhưng, tại đơn đòi nhà và các giấy tờ do bà Phụng xuất trình lại có nêu một số người khác được bà Phụng cho rằng là người thừa kế di sản của bà Lựu.

Thêm vào đó, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của bà Lý Thị Mai, Lý Thị Lựu lập ngày 6/9/2013 lại có nội dung mâu thuẫn, trái ngược với văn bản khai nhận di sản ngày 8/8/2013 khi nêu tên con đẻ và vợ của những người mà văn bản khai nhận di sản cho là độc thân, không kết hôn, không con cái.

Chưa kể, văn bản thỏa thuận nêu tên những người thừa kế nhưng lại không hề có tài liệu chứng minh mối quan hệ với người để lại di sản. Như vậy, có thể thấy, quá trình khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản của bà Phụng có rất nhiều điểm không bình thường, cần phải xác minh, làm rõ. Bà Phụng không đủ căn cứ để làm người đại diện cho những người thừa kế.

Hơn nữa, việc phân chia di sản được tiến hành sau khi bà Phụng đã chuyển nhượng xong quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản tại 152D Trần Quang Khải, Quận 1 cho bà Lê Thị Anh Hương, vì vậy Hợp đồng mua bán giữa bà Phụng và bà Hương có dấu hiệu vô hiệu do bà Phụng thực chất không đại diện cho những người thừa kế của bà Lựu, bà Mai.

Khắc Vân (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.