Trong khi bà Tâm đang “đội đơn” đi khiếu nại, bà cũng chưa nhận được quyết định thu hồi đất, cưỡng chế nào… nhưng căn nhà của bà ngang nhiên bị xâm hại, gây hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều ngày nay bà Tâm phải túc trực ngay ở vỉa hè để trông coi căn nhà của chính mình.
Nằm vỉa hè để trông nhà của chính mình
Vừa qua Pháp luật Plus nhận được phản ánh của bà Lê Thị Tâm (SN 1954, trú tại khối 12, phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An) về việc căn nhà của gia đình mình bất ngờ bị tháo dỡ gây hư hại nghiêm trọng. Trong khi đó cá nhân bà vẫn chưa nhận được bất kỳ quyết định thu hồi đất, cưỡng chế nào từ chính quyền địa phương.
Đơn cầu cứu bà Tâm gửi các cơ quan chức năng mong muốn được "soi xét" những thắc mắc của gia đình mình trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Trong nội dung đơn thư bà Tâm trình bày rõ, trước đó bà là công nhân xí nghiệp may mặc Việt Đức. Năm 1989, bà mua một gian nhà ở tại khu tập thể cán bộ, công nhân viên tại phường Hồng Sơn với diện tích 21,4 m2. Sau đó, do nhà chật hẹp, gia đình đông người, nên năm 1994 bà Tâm mua lại một gian bên cạnh của chị Lê Thị Viết (công nhân cũ Xí nghiệp may mặc Việt Đức) cùng với diện tích là 21,4 m2. Đồng thời trong quá trình sinh sống gia đình bà có cơi nới, sử dụng ổn định và đóng thuế, nghĩa vụ hàng năm với tổng số diện tích là 96 m2.
Thực hiện đề án cải tạo các khu tập thể cũ trên địa bàn TP Vinh của UBND tỉnh Nghệ An, trong đó khu tập thể mà gia đình bà Tâm đang sinh sống cũng nằm trong quy hoạch. Ngày 1/12/2006, UBND TP Vinh phê duyệt dự thảo phương án xác định nghĩa vụ tài chính khi thực hiện giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất đợt I cho 182 hộ gia đình, công nhân khu tập thể Xí nghiệp may mặc Việt Đức.
Trong thông báo này, bà Lê Thị Tâm chỉ được cấp một lô đất tái định cư với diện tích khoảng 44 m2. Cho rằng gia đình mình có mua 2 gian nhà sẽ được hưởng những quyền lợi ích hợp pháp tương đương, đồng nghĩa với việc bà sẽ được xét cấp 2 lô đất tái định cư hoặc bồi thường thỏa đáng đối với một gian nhà còn lại. Bởi thế bà Tâm đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi UBND phường Hồng Sơn, UBND TP Vinh. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại gia đình bà vẫn chưa được nhận câu trả lời thỏa đáng.
Bà tâm cho rằng việc một hộ gia đình khác chỉ có giấy tờ của 1 lô đất với diện tích 21,4 m2, chỉ bằng phân nửa của gia đình bà nhưng cũng được cấp một lô đất ở mới tại vị trí mặt đường mà không phải đóng thêm bất kỳ khoản nào, hưởng các chế độ như của gia đình bà. Theo bà có hộ được “ưu ái” như vậy là quá bất công.
Phiếu thu hồ sơ thể hiện các gian nhà mà bà Tâm mua đều có giấy tờ gốc đầy đủ.
Bất bình trước cách giải quyết của chính quyền địa phương, bà Tâm đội đơn đi đòi lại những quyền lợi hợp pháp cho gia đình mình. Tuy nhiên khi mà gia đình bà vẫn đang làm đơn khiếu nại yêu cầu các cấp có thẩm quyền giải quyết những thắc mắc, “khuất tất” phía sau phương án đền bù giải phóng mặt bằng thì bỗng dưng vào ngày 2/9 bà bàng hoàng khi biết căn nhà 2 gian của gia đình mình đang bị phá hủy.
“Khi tôi đến nơi thì thấy họ đang dỡ nhà của gia đình mình nên vội ngăn cản. Chúng tôi đang khiếu nại, yêu cầu giải quyết những thắc mắc, trả lại quyền lợi chính đáng cho gia đình mình. Bên cạnh đó gia đình tôi chưa nhận được bất kỳ một quyết định thu hồi đất, hay cưỡng chế nào từ chính quyền địa phương tại sao lại đưa nhân công máy xúc vào đập phá nhà cửa, tài sản của chúng tôi như vậy”, bà Tâm bức xúc.
Chứng kiến cảnh căn nhà đã bị hư hại nghiêm trọng bà Tâm vô cùng đau xót. Cũng kể từ hôm đó bà phải mang chõng ra nằm gần vỉa hè để trông coi căn nhà đồng thời căn các băng rôn, khẩu hiệu để phản đối việc tháo dỡ căn nhà của mình.
Nhiều “cán bộ” được hưởng ưu ái?
Bà Tâm bức xúc: Thời điểm đó gia đình chúng tôi đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua được 2 gian nhà để ở. Tất cả đều có giấy tờ hợp pháp. Qúa trình gia đình tôi sinh sống cũng không có tranh chấp hay bị cơ quan chức năng xử phạt. Tất cả diện tích mà gia đình tôi sử dụng đều nạp thuế đầy đủ theo quy định của nhà nước. Nhưng chỉ được hưởng quyền lợi của một gian nhà bằng với các hộ khác. Tại khu tập thể có nhiều hộ mua lại nhà tại đây họ không phải là công nhân của xí nghiệp cũng được hưởng quyền lợi như vậy?
Trong lúc bà Tâm đang "đội đơn" đi khiếu nại thì căn nhà của bà "bỗng dưng" bị tháo dỡ.
Bên cạnh đó nhiều cán bộ trong khối, tổ giải phóng mặt bằng được hưởng nhiều “đặc quyền” như Bí thư chi bộ, khối trưởng không có đất bám mặt đường này nhưng được giao 2 lô đất nằm ở vị trí mặt đường và không đóng góp bất cứ một khoản hỗ trợ tự nguyện nào.
Chị Phạm Thị Linh con gái bà Tâm cho biết: Khi nhà chúng tôi bị phá, tháo dỡ mà gia đình không nhận được bất kỳ văn bản nào của chính quyền địa phương. Gia đình cũng không biết gì về việc tháo dỡ này. Chúng tôi mong rằng cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm những người đã phá dỡ nhà ở của gia đình tôi.
Để làm rõ hơn về những nội dung trên, phóng viên có buổi làm việc với ông Nguyễn Tiến Đạt - Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An, ông Đạt cho biết: Trước đó UBND phường đã có thông báo gửi đến tận các hộ gia đình. Nội dung thông báo các hộ dân đang sinh sống tại Khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức phải tự liên hệ và di dời đến nơi ở mới, tự tháo dỡ nhà cửa, công trình để bàn giao mặt bằng cho UBND phường thực hiện việc cắm mốc lô đất theo quy hoạch.
“Chúng tôi cũng đã nhận được phản ánh của gia đình bà Lê Thị Tâm. Phường sẽ tiếp tục làm việc với gia đình bà để giải thích cho người dân hiểu đồng thuận với dự án vì cái lợi chung cho toàn thể mọi người. Việc tháo dỡ, bàn giao mặt bằng chính quyền vận động và thông báo là do người dân tự nguyện. Bên cạnh đó quỹ đất ở phường không còn nữa nên việc bố trí thêm một lô đất cho bà Tâm là hoàn toàn không thể. Tại đây cũng những hộ mua 2 gian, có giấy tờ hợp lệ và họ cũng chỉ nhận được một lô đất tái định cư theo quy định. Ngoài ra, việc này là do người dân tự bàn bạc, thảo luận và giải quyết”, ông Đạt cho biết.
Ông Đạt cho biết thêm: Trong quá trình làm việc chúng tôi cũng cố gắng giải quyết tối đa những quyền lợi cho người dân. Cũng có nhiều người dân phải nhận phần thiệt và họ cũng chấp nhận vì quyền lợi chung của mọi người để dự án được thực hiện. Thực trạng khu tập thể tại đây đã quá xuống cấp, người dân sinh sống rất khổ sở. Chúng tôi cũng mong người dân cùng với chính quyền giải quyết những thắc mắc để sớm hoàn thành dự án.
“Ngay từ đầu tôi là một trong những người ủng hộ dự án. Tuy nhiên cách thực hiện cần phải đảm bảo công bằng, quyền lợi chính đáng cho từng người dân”, bà Tâm cho biết và mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ những thắc mắc của người dân, có câu trả lời thấu tình đạt lý
Quang Phong (Pháp luật plus)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.