Lo ngại đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trở thành đê chắn lũ, người dân tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu cơ quan chức năng thay đổi thiết kế

Nhiều ngày nay, việc thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận thôn Phú Quý 3, xã Tam Mỹ Đông buộc phải tạm dừng vì bị người dân 2 xã Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam phản đối.

Đắp đường để tích lũ?

Theo nhiều người dân, khu vực đường cao tốc đi ngang qua cánh đồng ở thôn Phú Quý 3 thấp trũng. Do nằm gần dãy núi Trường Sơn nên nước từ thượng nguồn thường đổ về đây gây ngập lụt sau những trận mưa lớn. Vì thế, khi biết được đường cao tốc sẽ được đắp lên cao, người dân địa phương đã tập trung phản đối, yêu cầu thiết kế lại và phải xây cầu vượt để có chỗ thoát nước.

Ông Châu Quang Sơn, Trưởng thôn Phú Quý 3, cho biết trong năm 2014, đơn vị tư vấn thiết kế đường cao tốc có về địa phương và nhờ ông đi dẫn đường. Sau khi xem xét thực địa, ông được thông báo rằng đoạn đường cao tốc qua đồng lúa của thôn sẽ phải làm cầu vượt. Phương án này rất hợp lý bởi đây là vùng thấp trũng, nước chảy mạnh vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, tháng 1-2015, nhà thầu thi công đã đổ đất lấp bàu chứa nước và đắp đường lên cao. Khi người dân hỏi thì nhà thầu cho biết họ chỉ làm theo thiết kế. Theo đó, đoạn đường này không làm cầu vượt để thoát lũ mà sẽ được đắp cao lên 6 m, chiều rộng từ 60-70 m, ở giữa có 2 đường ống thoát nước với đường kính 1,5 m.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam gặp phải sự phản ứng của người dân

Khi người dân đang phản ánh ý kiến của mình lên chính quyền địa phương thì xuất hiện đợt lũ bất thường vào cuối tháng 3 vừa qua. Do không có chỗ thoát nước nên nhiều diện tích lúa đang thời kỳ trổ đòng của người dân bị hư hỏng gây thiệt hại nặng. Việc này như giọt nước làm tràn ly, đẩy những bức xúc của người dân lên cao. Họ đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc, yêu cầu đơn vị thi công phải thay đổi thiết kế nếu không sẽ ngăn cản không cho thi công. Dù các đơn vị liên quan có đến đối thoại, giải thích rằng theo tính toán sẽ không ngập lụt nhưng người dân không đồng tình. Hơn 10 ngày nay, việc thi công phải tạm dừng.

“Đoạn đường này nếu được đắp cao lên 6 m thì chẳng khác nào xây một con đê chắn lũ. Khi mùa mưa đến, không chỉ hoa màu của người dân địa phương bị hư hại mà tính mạng cũng bị đe dọa. Thôn Phú Quý 3 chỉ cách dãy Trường Sơn chưa đầy 10 km, mỗi lần mưa lũ nước đổ về rất nhanh. Nếu xây con “đê” ở đây thì rất nhiều ngôi nhà sẽ bị ngập đến nóc, khi đó ai chịu trách nhiệm?” - ông Sơn đặt vấn đề.

Hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng

Ông Trần Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, cho biết người dân ở xã Tam Mỹ Tây cũng không đồng tình với việc đắp đường ở thôn Phú Quý 3. Theo ông Vũ, nếu đắp đường, dòng chảy thay đổi thì sẽ có khoảng 1.000 hộ dân của xã giáp thôn Phú Quý 3 đối mặt với nguy hiểm trong mùa mưa lũ.

“Năm 2009, khi đơn vị thi công cầu đường sắt tiến hành đắp đường đã khiến dòng chảy thay đổi và có không ít người dân địa phương chết đuối do lũ cuốn trôi. Cả 2 xã đã họp với dân và thống nhất gửi văn bản lên cấp trên yêu cầu thiết kế lại cầu vượt cạn để thoát nước. Nếu tiếp tục đắp đường thì sẽ rất nguy hiểm, địa phương chắc chắn sẽ phản đối đến cùng” - ông Vũ nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi nhận được phản ánh của người dân và UBND huyện Núi Thành, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải kiểm tra thực tế. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp để khỏi ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng của người dân.

Làm nứt nhà dân, đền... 2.000 đồng

Nhiều ngày nay, hàng trăm hộ dân thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã ngăn cản đơn vị thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vì cho rằng đơn vị thi công nổ mìn làm nứt nhà dân nhưng lại áp giá đền bù quá “bèo”.

Theo phản ánh, 110 hộ dân thôn Chiêm Sơn có nhà bị hư hỏng đã được lập hồ sơ dự toán. Trong số này, hộ được dự tính đền bù thiệt hại cao nhất gần 4,2 triệu đồng, hộ thấp nhất chưa tới... 2.000 đồng. Ngoài ra, hàng chục hộ khác được định giá sửa chữa chưa tới 20.000 đồng. Chiều 22-5, ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - cho biết mức giá đền bù dự toán của đơn vị thi công quá thấp. Huyện đã yêu cầu đơn vị bảo hiểm tính toán lại giá đền bù cho các hộ dân bị nứt nhà, hiện người dân đã thôi ngăn cản thi công.
Quang Vinh (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.