Nghỉ việc không lương để làm xe ôm
Anh Nguyễn Văn Thắng, làm cho một công ty xây dựng ở khu vực Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, ở công trường đến ngày 20/1 mới bắt đầu cho mọi người nghỉ Tết, song, anh đã xin nghỉ phép không lương trước đó chục ngày để tranh thủ thời gian ra vườn đào Nhật Tân làm chân xe ôm chở đào thuê cho chủ vườn hoặc khách hàng kiếm thêm ít tiền chi tiêu, mua sắm Tết cho gia đình.
"Năm nay, do làm ăn khó khăn nên công ty cắt thưởng Tết, lương công ty chậm 5 tháng nay cũng chỉ trả cho mỗi người được 1 tháng, số còn lại hẹn sau Tết mới được thanh toán. Để có tiền chi tiêu Tết, bất đắc dĩ tôi mới phải đi làm xe ôm chở đào quất", anh Thắng chia sẻ.
Theo lời anh Thắng, làm xe ôm phải thông thạo đường xá bởi khi khách yêu cầu, mình mà không biết đường thì cả ngày chỉ chở được 2-3 chuyến. "Cũng may, ngày trước khi còn là sinh viên, vào những kỳ nghỉ hè hay nghỉ Tết tôi thường tranh thủ đi làm xe ôm kiếm tiền nên đường phố, ngõ hẻm chỗ nào tôi cũng biết. Giờ thì cứ thế làm, không phải bỡ ngỡ", anh nói.
Để có tiền chi tiêu Tết, dân bất động sản đi làm xe ôm chở đào quất thuê.
Trung bình một chuyến chở đào thuê, anh Thuận nhận được 70.000-100.000 đồng tùy vào độ xa gần. Một ngày anh Thuận có thể chở thuê được khoảng gần chục chuyến.
Tương tự, anh Lê Tuấn Vũ làm ở công ty xây dựng tại khu vực Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho biết, anh đang tranh thủ thời gian rảnh để ra vườn đào, quất làm chân chạy xe ôm chở đào, quất thuê.
Anh Vũ cho hay, cuối năm, mặc dù công ty đang chạy tiến độ nhưng do cần tiền tiêu Tết nên các anh em trong công ty viện đủ lý do để xin nghỉ lấy thời gian chạy làm thêm chỗ khác. "Người thì xin nghỉ phép, người xin nghỉ con ốm, tôi cũng thế. Ngoài hai ngày nghỉ cuối tuần, những ngày còn lại tôi đều tranh thủ xin về sớm hoặc cắt phép tháng để đi chở đào quất thuê".
Anh Vũ chia sẻ: "Đây chỉ là công việc thời vụ nhưng có thể giúp tôi kiếm đủ tiền chi tiêu, mua sắm Tết cho gia đình. Các cụ xưa có câu 'năng nhặt thì chặt bị' mà".
Theo lời anh Vũ chia sẻ, vì chở bằng xe máy nên anh chỉ nhận chở được những cây nhỏ, những cây đào to, đào thế có giá chở thuê lên tới vài trăm ngàn đồng thì chỉ có xe ô tô, xe lôi mới chở được. Tuy nhiên, mới làm xe ôm chở quất thuê được vài tuần, song số tiền anh kiếm được đã lên đến hơn 4 triệu đồng. Trừ tiền chi phí xăng xe, tiền ăn uống anh bỏ túi 3,5 triệu đồng.
Có những ngày, những người xe ôm bất đắc dĩ chấp nhận làm không công, thậm chí phải móc tiền túi ra để đền bù cho khách (ảnh B.H).
"Từ giờ tới Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tôi chỉ cố kiếm được khoảng gần chục triệu nữa là gia đình tôi sẽ có một cái Tết đầy đủ, tươm tất", anh tâm sự.
Nhiều ngày đi làm không công
Mặc dù dân chạy xe ôm chở đào, quất vào dịp này thường làm không hết việc, có ngày kiếm được cả triệu đồng, nhưng cũng có những ngày chấp nhận làm không công, thậm chí phải móc tiền túi ra để đền bù cho khách.
Theo lời anh Vũ, chở chậu quất, đào rất nặng lại cồng kềnh nên phải chắc tay lái, phải biết cách chằng buộc. Những người mới như anh chở không quen rất dễ bị đổ. "Thứ sáu tuần truớc, tôi có nhận chở một cây quất cho một chủ nhà ở ngõ 175 Xuân Thủy (Cầu Giấy), lúc rẽ vào ngõ, do đường hẹp nên xảy ra va chạm, cây quất bị rụng mất ít quả. Cũng may, chủ nhà thông cảm chỉ phải đền 400.000 đồng thay vì đền cả cây quất trị giá gần 3 triệu đồng như giá đã mua ở ngoài vuờn. Những ngày như thế thì chấp nhận về tay trắng, làm không công", anh Vũ nói.
Nhiều người chạy ẩu, vượt đèn đỏ, chạy vào đường cấm mà bị cảnh sát giao thông bắt phạt thì chuyến đó cũng coi như chở không công, anh Vũ nói thêm
Không chỉ vậy, anh Nguyễn Văn Thắng cũng thừa nhận, công việc thời vụ này rất dễ kiếm tiền, song cũng gặp không ít khó khăn, vất vả. "Khổ nhất là những lúc đuờng đông, kẹt xe, phải đứng chờ cả nửa tiếng đồng hồ cùng chậu đào cảnh to nặng trên xe, chân như tê liệt vì nặng".
Tuy nhiên, nhiều khách hàng tốt, ngoài tiền công họ còn bồi dưỡng thêm cho mình vài chục nghìn đồng. Có những khách hào phòng, thấy mình làm cẩn thận còn cho thêm cả trăm ngàn, anh Thắng cho hay.