27/04/2013 7:38 AM
Không ít đại gia lên tiếng khuyên giải "đã đến lúc mua nhà, giá không thể giảm nữa", trong khi khách hàng giữ chặt túi tiền, thờ ơ với các đợt giảm giá.

Trong khi hàng loạt dự án nhà ở chạy vạy xin chuyển làm nhà ở xã hội để hạ giá bán, thì xuất hiện không ít đại gia lên tiếng khuyên giải "đã đến lúc mua nhà, giá không thể giảm nữa".

Thị trường BĐS không lấy gì ngạc nhiên khi xuất hiện những lời khuyên "đã đến lúc mua nhà" của các chủ đầu tư BĐS. Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức cho rằng giá nhà đất trong phân khúc bình dân và thu nhập thấp đã chạm đáy, khó có thể giảm thêm, đặc biệt ở khu vực TP HCM, bởi chi phí đầu vào không thể hạ nữa, nguyên vật liệu đã ở mức thấp nhất. Giá nhà ở mức không thể thấp hơn.

"Đừng chờ nữa ai có nhu cầu về chỗ ở mà đủ năng lực tài chính hãy mua nhà vì không có thời điểm nào tốt hơn bây giờ", câu nói của đại gia này nhằm gửi gắm đến các khách hàng đang giữ tiền chặt trong túi và chờ giá giảm.

Khi những căn hộ giá thấp còn khó bán, thị trường sẽ còn phải tiếp tục nhiều đợt hạ giá.

Giữa năm 2012, tức là cách đây gần 1 năm, một quan chức Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng đã khuyên người dân nên mua nhà với lý do "giá BĐS ở TPHCM hiện khá phù hợp với người mua. Còn ở Hà Nội, nếu người mua nhà để ở vào thời điểm này là thích hợp. Hiện tại, có hơn 1.000 sàn giao dịch BĐS nên khách hàng có quyền lựa chọn theo ý mình, quyền được tham khảo giá hết sức minh bạch".

Cách đây nửa năm, cuối tháng 10/2012, Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư Sông Hồng Nguyễn Thế Điệp cho rằng: Nếu chính sách đất đai cứ thế này thì giá đang xuống quá đáy. Hiện, các nhà thầu đang bán dưới giá thành vì có áp lực phải trả nợ. Hoặc là giảm giá thành vì đã giảm chất lượng.

Từ phân tích đó, Chủ tịch Sông Hồng khẳng định "Đây là thời gian cho người có nhu cầu thực mua nhà".

Dù hàng loạt những lời khuyên mua nhà của các DN BĐS liên tục xuất hiện, nhưng thị trường vẫn không hề nhúc nhích. Dù chỉ là một vài làn sóng nhỏ. Sự kiên gan chờ đợi của người mua đã khiến giá bán liên tục giảm theo từng tháng.

Nhận định của "trùm" marketing BĐS CBRE cũng phải thừa nhận: bất chấp xu hướng lãi suất vẫn đang tiếp tục giảm mạnh, kênh đầu tư vàng đang trở nên kém hấp dẫn nhưng người mua vẫn đứng ngoài thị trường, nguyên nhân do quan ngại về triển vọng kinh tế, giá nhà và thu nhập hiện nay đang có sự chênh lệch quá lớn, uy tín và cam kết của chủ đầu tư...

Theo nhận định này, trong quý I, thị trường BĐS Hà Nội tiếp tục chứng kiến chiều hướng đi xuống của giá chào bán cả sơ cấp và thứ cấp. Sau Tết Nguyên đán, thị trường đón nhận nhiều đợt chào bán ồ ạt, với số căn hộ được chào bán gần tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế đó, lãnh đạo CBRE cho rằng, giá chào bán dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm.

Vậy điều gì khiến người mua nhà phải vội xuống tiền lúc này khi dự báo giá vẫn tiếp tục giảm? Mặc kệ các đại gia lớn nhỏ đua nhau khuyên giải khách hàng tiềm năng "hãy mua nhà đi" một cách tuyệt vọng, những người có tiền vẫn bình chân như vại.

Chia sẻ với PV, đại diện một DN BĐS từng thành công với các dự án nhà giá trung bình, giá rẻ cho biết, dù từng phân phối các căn hộ đi đầu về giá thấp, song hàng tồn của các dự án này đến nay vẫn khó tìm được cửa ra nếu không tiếp tục hạ giá thêm. Con số căn hộ bán được cũng không được tiết lộ. Nhiều khách hàng trước đây quan tâm đến phân khúc nhà rẻ để ở, tìm mua cho con cái ở riêng hoặc làm của để dành nay cũng giữ chặt túi tiền, thờ ơ với các đợt giảm giá.

Thậm chí không ít khách hàng đã đóng nhiều đợt vẫn muốn bỏ của chạy lấy người, đòi tiền để chuyển chờ mua dự án khác giá rẻ hơn. Điều khiến của các chủ đầu tư đau đầu nhất hiện nay là làm sao để khách chấp nhận tiếp tục đóng tiền, không đòi trả lại căn hộ vì khó có thể bán cho ai khác.

"Cơ sở để thị trường có thể có giao dịch, kẻ mua người bán trở lại chỉ có thể là các điều kiện gặp nhau giữa cung-cầu, thay vì các thông tin, dự đoán từ những người từng dắt mũi thị trường trong quá khứ", vị này thừa nhận.

Hương Giang (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.