12/01/2018 3:16 PM
Đô thị hóa nông thôn tại TP.Đà Nẵng mở ra nhiều cơ hội đổi đời cho nhiều nông dân, nhưng cũng từ đây xuất hiện một số biến đổi trong xã hội có dấu hiệu tiêu cực.

Giá trị đất đai ở Hòa Liên tăng cao khiến công tác đền bù giải tỏa gặp khó. Ảnh: Nguyễn Tú

Rắc rối do giá đất tăng

Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đà Nẵng đang “đau đầu” trước gần 10 trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) bởi những nguyên nhân rất tréo ngoe. Vợ chồng chị N.T.B. từ một tỉnh phía bắc vào Đà Nẵng làm công nhân tại khu công nghiệp, sau cả chục năm quần quật tích cóp, đến năm 2012 họ mua một phiếu đất tái định cư (TĐC) đường 5,5m ở khu TĐC Hòa Liên 3, xã Hòa Liên (H.Hòa Vang).

Phiếu này được một người dân được bố trí TĐC bán lại do nợ tiền sử dụng đất. Năm 2017, chị B. dành dụm đủ tiền, đến Trung tâm Phát triển quỹ đất chuyển trả để được cấp GCNQSDĐ, xây nhà. Nhưng theo Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.7.2014, Trung tâm Phát triển quỹ đất yêu cầu chủ cũ phải làm GCNQSDĐ rồi mới chuyển nhượng cho chị.

Oái ăm là chủ đất đã mất, chị B. đành nhờ con cái của họ làm thủ tục thừa kế, người thừa kế làm GCNQSDĐ. Nhưng sau 6 năm, lô đất đường 5,5m có giá 500 triệu đồng/lô, cao gấp gần 4 lần giá đất cũ nên khâu “xử lý” giữa hai bên gặp nhiều trục trặc.

Cơn sốt giá đất dễ dàng biến người nông dân thành tỉ phú cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác giải tỏa đền bù. Theo thống kê của UBND H.Hòa Vang, khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú thu hồi 336 ha, trong đó xã Hòa Liên chiếm nhiều diện tích nhất (175 ha, 2.689 hồ sơ đền bù giải tỏa).

Trong số 3% hồ sơ chưa chấp nhận đền bù, có hộ bà N.T.S. (thôn Quan Nam 5) từng được đền bù 255 triệu đồng, bố trí 6 lô đất đường 7,5m, 2 lô đất đường 5,5m cho phần diện tích giải tỏa 400m2 đất ở, 1.400 m2 đất vườn.

Nếu tính theo giá thị trường, bà S. đã có khối tài sản gần 5 tỉ đồng, nhưng gia đình vẫn yêu cầu bố trí 10 lô đất đường 7,5m. Hay nhà bà T.T.T. (thôn Quan Nam 6), có 200m2 đất ở, 800m2 đất vườn được bố trí 2 lô đường 7,5m, 2 lô đường 5,5m nhưng gia đình yêu cầu phải được 6 lô đường 7,5m.

Ông Ngô Thành Tâm, Phó chủ tịch xã Hòa Liên, cho hay địa bàn có đến 34 dự án đã và đang triển khai, là một trong những địa phương gần như giải tỏa trắng. “Đành rằng người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu quyền lợi chính đáng, nhưng một số hộ dân đòi hỏi quá cao, vượt quá phương án. Nếu chấp thuận cho họ thì sẽ gây mất công bằng với những hộ dân đã chấp hành nghiêm túc và bàn giao”, ông Tâm nói.

Cán bộ xã cũng sẽ rất “khổ sở” nếu những người chấp thuận chủ trương di dời sớm quay lại khiếu nại. Một lãnh đạo UBND H.Hòa Vang chia sẻ, trong trường hợp không thể vận động số ít hộ dân còn lại, địa phương buộc phải cưỡng chế. Nhưng đó là phương án “không ai mong muốn”.

Xây “con đê văn hóa”

Tại hội thảo khoa học “Xây dựng lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn” vừa qua, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng nhận định, lối sống Đà Nẵng đang trong thời kỳ quá độ từ nông thôn sang đô thị, ngày càng đa dạng, biến đổi phức tạp.

Bên cạnh yếu tố tích cực, vẫn có không ít xu hướng tiêu cực, trong đó di dời giải tỏa diễn ra rất nhanh làm xáo trộn và ảnh hưởng lối sống. Với đa phần là nông dân và một số lao động trình độ thấp, việc chuyển đổi ngành nghề, thích ứng với cuộc sống đô thị là một quá trình khó khăn.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân người dân vùng giải tỏa đòi hỏi quyền lợi lớn bởi họ lo lắng đến thu nhập hằng ngày sau khi không còn đất sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Chiến, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT, nhận định thành phố phát triển mạnh khiến kinh tế thuần nông “thu hẹp”, từ đó kéo theo sự chuyển đổi nhanh các định hướng giá trị, đề cao tính cá nhân, lỏng lẻo tính cộng đồng, chấp nhận ứng xử nội bộ trong từng nhóm xã hội mà không cần biết đến cách thức hay tiêu chuẩn của các nhóm xã hội khác.

Ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục, cũng cho rằng lối sống người dân đang bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường với không ít tiêu cực, cần kịp thời lập “con đê” văn hóa để ngăn chặn. Theo ông, nên bắt nguồn từ giáo dục gia đình và nhà trường.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, sau 20 năm phát triển nhanh chóng, TP.Đà Nẵng khang trang nhưng bộc lộ nhiều bất cập trong vấn đề con người do mất cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa. Do đó, ông đề nghị trong đề án xây dựng lối sống Đà Nẵng đang triển khai, địa phương cần chú trọng các yếu tố lòng tin, sự nhường nhịn vì đây là gốc văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa người với người, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Văn Tiến (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.