Dự án của Cty Hòn Ngọc Á Châu đang bị đề nghị thu hồi hết đất để làm công viên, bãi tắm công cộng... Ảnh: PV
Quyết trả lại không gian công cộng
Quyết định này là đáp ứng nguyện vọng của người dân Đà Nẵng, đồng thời cũng được xem là động thái “sửa sai” của Chính quyền. Bởi thời điểm từ 2002- 2015, hàng ngàn hecta đất ven biển đã được vung tay cấp, bán cho các DN để làm dự án, phát triển nóng du lịch. Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp giăng kín mặt tiền biển, không còn không gian cho người dân, công cộng, nhưng đồng thời cũng có nhiều dự án rào đất, xí phần rồi bỏ hoang hoặc sang nhượng, hưởng lợi.
Trong số 48 dự án, 12 công trình mà UBND TP.Đà Nẵng đề nghị thu hồi, thì 2 lối mở đường xuống biển là đoạn cuối đường Hồ Xuân Hương và khoảng cách giữa khách sạn Fuarama với Ariyana được người dân chờ đợi nhất. Bởi đây vốn là một trong những bãi tắm biển tự nhiên, truyền thống, phục vụ đông đảo người dân xưa nay, bị chính quyền cắt giao cho DN từ sau năm 2002. Ngoài ra, các dự án khu du lịch ven biển của Cty Hòn Ngọc Á Châu cũng bị thu hồi 170 ngàn m2; Dự án DAP, DAP1 cũng sẽ bị thu hồi diện tích đất ven biển để mở rộng bãi tắm Sơn Thủy với diện tích gần 50 ngàn m2.
Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Ban Cán sự Đảng UBND TP đang quyết liệt chỉ đạo để thực hiện thu hồi khoảng 11 khu vực để tạo công viên, cảnh quan, lối xuống biển. Có một số lối đã có sẽ thu lại và làm mới một số lối khác.
Nảy sinh bất cập mới
Trước đây, giai đoạn 2002 - 2012, Đà Nẵng đã giao những vị trí đắc địa, gần trung tâm, có nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, các resort 4-5 sao. Quan điểm của những nhà lãnh đạo TP bấy giờ là phải tạo ra những “đặc khu” du lịch, với các dịch vụ chất lượng cao. Ngược lại, du khách, người có tiền phải được thụ hưởng sản phẩm du lịch đặc sắc, xứng đáng.
Bãi tắm biển là phải riêng biệt, yên tĩnh, có không gian riêng. Nhất là những người phải bỏ ra cả trăm, thậm chí cả ngàn USD mỗi ngày thuê phòng. Đó cũng là một trong những lý do để định hướng quy hoạch, giao đất liền kề, giăng kín phần lớn mặt tiền biển. Tuy vậy, quy hoạch thời gian đó cũng đã tính đến việc xây dựng những bãi tắm, công viên công cộng cho người dân.
Nhưng quá trình xây dựng, phát triển TP lại biểu hiện lỏng lẻo trong quản lý, hoặc cố tình thu lợi mà quy hoạch bị nhiều lần điều chỉnh. Dẫn đến những khoảnh đất lẽ ra để xây dựng công trình công cộng lại tiếp tục giao hết cho DN. Hoặc việc giám sát không kỹ, dẫn đến nhiều khu đất cho thuê kinh doanh dịch vụ biển đã xây dựng trái phép, biến thành nhà hàng, khách sạn, lấn hết không gian biển của người dân. Nghiêm trọng hơn, nhiều dự án được giao trực tiếp, không qua đấu giá, giao đất ở, với mục đích sử dụng lâu dài.
Từ năm 2015 đến nay, sau kết luận về sai phạm quản lý đất đai của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp khắc phục. Hiện TP đang nỗ lực tìm cách mở các lối đi xuống biển. Nhưng xem ra không đơn giản. Đã có DN phản ứng.
Tân Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung khẳng định quyết tâm thu hồi đất ven biển cho sinh hoạt cộng đồng là không thay đổi. Vấn đề là các cấp, ngành, chính quyền phải tìm giải pháp hợp lý để giải bài toán hài hòa về lợi ích cộng đồng và DN.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng thừa nhận khó khăn: “Quyết tâm là không bàn cãi. Nhưng sẽ tốn kém ngân sách, thậm chí sẽ xảy ra kiện tụng”. Nhiều lối xuống biển nếu tái lập cũng chỉ được 5- 10m, lại bị kẹp giữa 2 Resort sang trọng. Người dân sẽ sử dụng bãi biển thế nào nếu không có công viên, bãi tắm công cộng? Những mâu thuẫn này chắc chắn sẽ nảy sinh.
Cũng theo ông Hùng, việc thu hồi đất ven biển, mở lối xuống biển dù cố gắng để có giải pháp hợp lý nhất, nhưng quy hoạch cũng bị phá vỡ, bởi TP phải “né” những dự án đã xây dựng hoàn thiện, nếu lấy thì tốn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, vì vậy, sẽ khó khớp nối với quy hoạch chung.