Cầu Rồng - Biểu tượng mới của Thành phố Đà Nẵng
Cao ốc hỗn hợp Indochina Riverside Tower (số 74 Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) là món “hàng hot” 3 năm trước đây. Dự án sở hữu tầm nhìn tuyệt đẹp cả về phía núi (Ngũ Hành Sơn) và phía biển (bãi biển Non Nước, Cù Lao Chàm). Đêm xuống, bên khung cửa sổ là bức tranh sinh động của nhịp sống thành phố với tầm nhìn bao quát cả cầu quay sông Hàn và cầu Rồng ở 2 bên.
Khu căn hộ này đã từng được giới đầu tư thứ cấp mua bán với mức giá có khi lên đến 2.400 USD/m2 căn hộ vào năm 2010. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều người “ôm” căn hộ tại dự án này sẵn sàng bán với mức giá bằng một nửa mức giá mua vào để thu hồi vốn. Chỉ một vài trong số hơn 100 căn hộ có người ở. Những căn hộ này cũng chỉ sáng đèn vào những ngày cuối tuần, rất hiếm hoi khi những ông chủ ở Hà Nội, Sài Gòn có dịp ghé qua.
Trong mắt khách du lịch, đôi bờ sông Hàn đoạn từ cầu Thuận Phước đến Cầu Rồng là một quần thể thiên tạo và nhân tạo đẹp mắt, quy hoạch khoáng đạt với lung linh ánh đèn. Hàng loạt cao ốc hai bên bờ sông như: Indochina Riverside Tower, Azura Đà Nẵng (đường Trần Hưng Đạo), khách sạn Sông Hàn (đường Phạm Văn Đồng)… mang đến vẻ năng động, hiện đại cho vùng đất. Thế nhưng, đứng trên tầng cao của một trong số các cao ốc này, sự chiêm nghiệm về vùng đất này có thể đưa đến những ý nghĩ khác khi ở dưới chân là những căn hộ đẹp đẽ bị bụi phủ dày còn trước mắt là hàng loạt dự án được quây tôn, cỏ mọc xanh hoang dại.
Ngay trung tâm thành phố là ảnh phối cảnh tòa tháp đôi cao 220 m Viễn Đông Meridian Towers (với 3 mặt tiền Yên Bái - Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh – quận Hải Châu) do Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông (Viendong Land) làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích xây dựng hơn 11.000 m2, cao 48 tầng được khởi công từ năm 2009, đến nay vẫn còn bãi đất trống.
Đối diện dự án Viễn Đông Meridian Towers, dự án Golden Square (4 mặt tiền Yên Bái - Nguyễn Thái Học - Nguyễn Chí Thanh - Phạm Hồng Thái) do Công ty Địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 10.664 m2, được khởi công đầu năm 2008. Chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2011 nhưng đến nay công trình mới lên khỏi mặt đất vài tầng lầu….
Những dự án bất động sản dở dang, bỏ hoang là cái giá phải trả cho sự phát triển nóng của thị trường bất động sản Đà Nẵng những năm trước
Cách đó không xa, dự án Khu phức hợp Danang Center (với 3 mặt tiền Phan Chu Trinh - Hùng Vương - Nguyễn Thị Minh Khai) do Công ty cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 3/2008, với quy mô gồm tòa tháp đôi 35 tầng và 4 tầng hầm, vốn đầu tư 125 triệu USD. Chủ đầu tư cam kết hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2011, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa làm xong móng.
Thị trường bất động sản du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2008 – 2010 chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt dự án bất động sản như: Montgomerie Links, The Ocean Villas hay Hyatt Regency Danang Resort & Spa, The Cham, The Summit, Furama Villas …
Ở giai đoạn đó, nhiều biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng được rao bán với mức giá trên dưới 1 triệu USD/căn. Nhưng từ năm 2011 đến nay, hầu hết các dự án đều ghi nhận mức giảm giá trung bình từ 25% đến 40% so với thời kỳ đỉnh cao trong khi giao dịch vô cùng thưa thớt. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đang tiến hành bán “cắt lỗ” các lô đất nền ven biển nhưng có rất ít dao dịch thành công.
Thị trường căn hộ Đà Nẵng cũng đang phải trả giá cho giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây khi một số báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Đà Nẵng cho biết, tỷ lệ hấp thụ căn hộ quý II/2013 giảm khoảng 7% so với quý II/2012. Thị trường sơ cấp ghi nhận sự hiện diện khoảng 14.000 căn hộ trong số 22 dự án đang đầu tư tại thành phố này. Rất tiếc, những căn hộ này hầu như đều bị “bỏ hoang”.