Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch tại KĐT Ngoại giao đoàn, như VietNamNet đã đưa tin, sau 7 năm điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu ngoại giao đoàn vào năm 2010, mới đây nhất ngày 22/5/2017, Hà Nội quyết định tiếp tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu ngoại giao đoàn.
Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Có ô đất điều chỉnh mật độ xây dựng từ 20,5% lên 40%.
Ô đất CC3-4, có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng thì nay được được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất công cộng đô thị (công cộng, dịch vụ thương mại văn phòng), nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình là 15 tầng + 3 tầng hầm.
Ô đất CC5 được quy hoạch là đất công cộng, dịch vụ, thương mại với mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình là 7 tầng thì nay được điều chỉnh thành lô đất có ký hiệu HH1, chức năng là đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở) với mật độ xây dựng nâng lên 41%, tầng cao công trình 27 tầng + 3 tầng hầm với dân số khoảng 1.505 người…
Hay ô đất ĐMKT1 có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) không xác định tầng cao mật độ nhưng nay điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng+ 2 tầng hầm.
Là một trong những cư dân đầu tiên về ở KĐT bà Cù Phương Dung (NO3-T8) cho biết, gia đình bà chuyển về ở đây từ tháng 6/2015, hợp đồng ký mua căn hộ là theo quy hoạch cũ đã được phê duyệt nhưng bây giờ thay đổi quy hoạch thì hợp đồng đã ký có ý nghĩa gì.
“Chúng tôi mua nhà ở đây giá 28-30 triệu/m2, có hộ mất thêm 2-3 triệu/m2 để chọn căn có view đẹp nhưng bây giờ điều chỉnh quy hoạch view đó là công trình cao tầng. Như thế có phải người dân bị lừa không?” – bà Dung nói.
Không chỉ lo lắng trước việc điều chỉnh quy hoạch, cư dân còn bức xúc vì sống trong cảnh “gần nhà xa ngõ”, khổ vì đường không thông. Theo phản ánh của cư dân, mua nhà ở đây, người dân được chủ đầu tư giới thiệu các tuyến đường thông ra đường Võ Chí Công, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Tuy nhiên, hiện tại cả KĐT này chỉ có một con đường duy nhất là đường Đỗ Nhuận dẫn ra đường Phạm Văn Đồng để đi vào thành phố.
“Chủ đầu tư chưa kết nối hạ tầng đồng bộ đã xin điều chỉnh quy hoạch nâng tầng cao, tăng mật độ xây dựng. Cả khu đô thị gần 3000 dân đã về ở chỉ có một lối đi duy nhất là đi ra đường Đỗ Nhuận sau đó ra đường Phạm Văn Đồng để đi vào nội đô. Trong khi tuyến đường Phạm Văn Đồng chật hẹp, thường xuyên ách tắc, nhiều tai nạn. Ở đây 2 năm trời KĐT vẫn chưa có một con đường đi cho tử tế” – bà Dung bức xúc.
Lo lắng trước việc điều chỉnh quy hoạch có thể dẫn đến nguy cơ “băm nát” KĐT từng được coi là nơi đáng sống và là điểm nhấn của Thủ đô, ông Lê Việt Đức (NO3) bày tỏ: “Việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị theo cư dân biết đều được làm theo đúng quy trình trong đó có cả việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Nhưng nhiều cư dân đang sống tại KĐT gần đây mới biết về quyết định điều chỉnh quy hoạch này”.
Trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Tổng Cty Xây dựng Hà Nội – chủ đầu tư dự án KĐT Ngoại giao đoàn cho biết, khi nhận được những thông tin dư luận phản ánh, ngày 6/10 vừa qua đã có giấy mời gửi các chủ đầu tư cấp 2 tại dự án tham dự buổi đối thoại về các vấn đề như kết nối hạ tầng giao thông, điều chỉnh quy hoạch, an ninh trật tự…vào chiều ngày 12/10 tới đây.
“Về kiến nghị của cư dân, vừa qua chủ đầu tư mới chỉ nhận được đơn kiến nghị của một cư dân tại KĐT, kiến nghị của Ban đại diện như phản ánh chúng tôi chưa nhận được. Sáng nay lãnh đạo Tổng công ty cũng xuống KĐT ghi nhận tình hình. Trên cơ sở giấy mời đã gửi, chúng tôi sẽ công khai đối thoại về các vấn đề trên trong tuần tới” – lãnh đạo Tổng Cty Xây dựng Hà Nội nói.